Skip links

“Đừng ngần ngại, đừng do dự, đừng tự ti và lười biếng!” – Founder Việt CV

Tôi là một người trẻ – như bao người trẻ khác thuộc thế hệ Millennials, đang trên con đường khởi nghiệp để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, cho chính bản thân và cộng đồng. Mỗi người trong xã hội, đều sẽ có lúc lớn lên, và bước đến giai đoạn tìm cho mình một công việc. Và thứ mà tất cả trong số chúng ta, cả tôi và bạn, khi ứng tuyển luôn phải chuẩn bị, chính là một bộ hồ sơ – trong đó có Sơ yếu lý lịch – CV.


Câu chuyện về Việt CV cũng bắt đầu khi tôi bước vào quá trình đó. Những câu hỏi đến, và tôi chắc rằng bạn cũng đã từng hỏi mình như vậy, khi tự viết CV cho bản thân.

1. Viết như thế nào, hình thức, mẫu ra sao?

2. Những điểm mạnh, điểm yếu, nổi bật của tôi? Viết gì lên CV?

CV cơ bản hoàn thành, các vấn đề khác lại xuất hiện:

3. CV thế này đã chuẩn chưa, đủ để được tuyển chưa? Cần thêm bớt gì nữa không?

4. CV ổn rồi, đẹp rồi, đủ thông tin rồi, nhưng nó đã thể hiện trọn vẹn được bản thân của tôi chưa?

Sau khi nộp CV, và được gọi đi phỏng vấn:

5. Phỏng vấn rồi, nhưng có thật sự năng lực của mình là ở mức này không?


Tôi đã trải qua mọi thứ đúng như vậy, cũng đã từng trằn trọc vất vả viết CV rồi chỉnh đi chỉnh lại nhiều lần liền. Rồi thì chính tôi vứt bỏ cái CV tưởng chừng đã là hoàn chỉnh nhất của mình – CV của một đứa sinh viên năm 4 có tỉ lệ vượt qua vòng screening đạt đến 85% khi ứng tuyển – để rủ rê đám bạn đi nghiên cứu về CV hàng tháng trời, chỉ nhằm giải quyết một câu hỏi chung duy nhất:”CV là một công cụ tuyển dụng, vậy thì một cái CV tốt nhất sẽ làm được gì, và cần có đặc điểm gì?”. Đó cũng chính là ý tưởng xuất phát của Việt CV – dịch vụ hỗ trợ ứng tuyển chuyên nghiệp dành cho cá nhân đầu tiên tại Việt Nam.

1961003_689486624426918_52402833_o

22 tuổi – với 4 lần khởi nghiệp, trong đó quá nửa là thất bại, có lẽ tôi vẫn chưa đủ tầm để nói về việc làm thế nào để thành công khi khởi sự kinh doanh. Dẫu vậy, những kinh nghiệm đến từ các thất bại của tôi, phần nào sẽ giúp được các bạn trên con đường đầy khó khăn thử thách này.

Nếu bạn thật sự mong muốn khởi nghiệp, hãy xem xét thật kỹ 3 lời khuyên sau:

  1. Hãy chọn một ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, khả thi và mang đến sự tự hào

Điểm khởi nguồn của mỗi Startup đều là một ý tưởng. Có thể bạn sẽ không tin, nhưng ý tưởng kinh doanh thật sự ở khắp mọi nơi. Mọi ngõ ngách, mọi góc phố con đường mà bạn đi qua, đều ẩn chứa ở bên trong một vài thứ hay ho. Hãy thật chăm chú và tinh ý, bạn sẽ nhận ra, không khó để tìm lấy một ý tưởng khởi đầu.

Thế nhưng, ngay khi bạn chọn được một ý tưởng khởi nghiệp, có 3 yếu tố sẽ phát sinh ngay sau đó mà bạn cần phải giải quyết:

–  Sự mới lạ và độc đáo: Ý tưởng của bạn cần phải có tính mới và độc đáo, nó phải mang đến những giá trị có ích cho mọi người.

 Tính khả thi: Ý tưởng của bạn có thể được thực hiện với nguồn lực hiện tại hay không? Liệu khi bắt tay vào thực hiện, nó có thể mang đến những gì (khả năng sinh lợi)? Bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với 2 câu hỏi này, vào một thời điểm nào đó trong quá trình khởi nghiệp của mình.

–  Sự tự hào: Ý tưởng của bạn có thể rất độc đáo và mới mẻ, có thể mang lại rất nhiều tiền, và hoàn toàn có thể thực hiện được với những nguồn lực bạn đang có; tuy nhiên, bạn không hề cảm thấy tự hào khi bắt tay vào thực hiện nó! Động lực để một Startup luôn chạy chứ không dần ngừng lại, xuất phát chính từ sự tự hào của bạn khi thực hiện ý tưởng của chính mình.

Nếu ý tưởng khởi nghiệp của bạn có được cả 3 yếu tố trên, bạn đã nắm trong tay 50% cơ hội biến nó thành một kế hoạch kinh doanh thật sự. Còn ngược lại, hãy cân nhắc tìm một ý tưởng khởi nghiệp khác tốt hơn.


  1. Lựa chọn người có cùng chí hướng một cách thông minh

Khởi nghiệp là một con đường dài, với đầy chông gai thử thách. Chỉ một mình bạn trên con đường này sẽ rất đơn độc, và khó khăn. Không ai có thể giỏi hết tất cả các lĩnh vực. Hãy lựa chọn thật thông minh một nhóm những người đồng hành sẽ cùng bạn khởi nghiệp. Thế mạnh của họ sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình khởi sự kinh doanh. Khi bạn chán nản, lòng nhiệt huyết và khao khát của họ sẽ tiếp tục mang bạn đi trên con đường này…

Dẫu vậy, mọi thứ đều có hai mặt của nó. Bạn sẽ phải chia sẻ một phần quyền lợi của mình cho những người đồng sáng lập. Đôi khi bạn còn phải đối mặt với tình huống, một vài thành viên trong nhóm sẽ bỏ ra đi, đem theo ý tưởng, bí quyết và những thứ mà các thành viên còn lại đã đổ nhiều công sức để xây dựng nên.

Hãy lựa chọn thật kỹ càng. Chỉ những người có cùng chí hướng và lý tưởng, hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của ý tưởng kinh doanh bạn đưa ra, mới có thể cùng bạn đi đến hết con đường khởi nghiệp. Nếu bạn đảm bảo được cả điều này, kết hợp với một ý tưởng kinh doanh tốt đến từ phía trên, gần như bạn đã nắm chắc 80% khả năng biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực.


  1. Đừng bao giờ bỏ cuộc

Donald Trump từng nói:”Khi theo đuổi những điều vĩ đại, đôi lúc bạn sẽ phải gánh chịu những nỗi đau phi thường!”.

Bạn có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, bạn có thể sẽ phải gặp phải sự chống đối của tất cả mọi người, kể cả gia đình và những người thân yêu nhất. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với sự chán nản tột độ, sự tuyệt vọng cùng cực, phải hứng chịu những nỗi đau phi thường khi bắt đầu kinh doanh. Nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc! Mỗi thứ kể trên, hãy xem chúng như là những thách thức, những thứ mà bạn sẽ phải vượt qua để chứng tỏ mình xứng đáng. Hãy học hỏi từ mỗi sai lầm, hãy tận dụng từng cơ hội một dù là nhỏ nhất. Rồi bạn sẽ thành công.


Cuối cùng, điều tôi muốn nhắn gửi với những người trẻ đã, đang và sắp khởi nghiệp là: Các bạn là những người nắm giữ vận mệnh tương lai của đất nước. Các bạn là thế hệ được đào tạo bài bản, được học hành tử tế, được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của bản thân. Các bạn mang trong mình sự tự hào của một quốc gia với hơn 4 nghìn năm văn hiến. Đừng ngần ngại, đừng do dự, đừng tự ti và lười biếng! Hãy bắt đầu đi!

06/05/2014,

Nguyễn Phạm Tuấn Anh

//www.vietcv.net/