Skip links

Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực y tế

Trong sự hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp nói chung và những nhà khởi nghiệp trẻ nói riêng luôn đổi mới, sáng tạo để tìm cách ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ vào các lĩnh vực phục vụ con người. Đặc biệt, blockchain đã nhận được sự quan tâm và chú ý nhất định khi mang đến nhiều thay đổi tích cực.

Blockchain là gì?

Blockchain (công nghệ chuỗi khối) có vai trò giống như một cuốn sổ điện tử bất biến nhằm lưu trữ, truyền tải thông tin một cách minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ghi lại các giao dịch và theo dõi tài sản (hữu hình hoặc vô hình) trong một mạng lưới nhất định. 

Hầu như bất kỳ thứ gì có giá trị đều có thể được theo dõi và giao dịch trên mạng blockchain, giảm rủi ro, chống gian lận và cắt giảm chi phí cho tất cả những người tham gia. Về cốt lõi, một blockchain có thể được sử dụng để ghi lại thông tin về giao dịch tiền điện tử, quyền sở hữu tài sản không thể thay thế (NFT), phát triển chuỗi cung ứng hoặc hợp đồng thông minh.

Blockchain đã thay đổi y tế như thế nào?

Lĩnh vực y tế luôn được ưu tiên phát triển hàng đầu. Những thành tựu nổi bật của công nghệ đã có nhiều đóng góp lớn cho y tế cộng đồng. Blockchain đang cải cách các phương thức chăm sóc sức khỏe truyền thống thành một phương tiện đáng tin cậy hơn, về mặt chẩn đoán và điều trị hiệu quả thông qua chia sẻ dữ liệu an toàn và bảo mật. Công nghệ chuỗi khối đã tạo nên bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu với nhiều ứng dụng tích cực:

Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR)

Trong quá trình thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử, các dữ liệu y tế thường gặp phải một số vấn đề như mất kiểm soát dữ liệu, khó theo dõi và bảo mật an toàn. Vì thế, blockchain được các cơ sở y tế sử dụng trên một hệ thống quản lý hồ sơ phi tập trung, có vai trò cung cấp lịch sử dữ liệu cố định để bệnh nhân trở thành chủ sở hữu dữ liệu cá nhân, giúp họ dễ dàng truy cập và kiểm soát các thông tin chăm sóc sức khỏe của mình.

EHR thường chứa dữ liệu nhạy cảm và quan trọng liên quan đến bệnh nhân, được chia sẻ thường xuyên giữa các bác sĩ lâm sàng, bác sĩ X quang, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dược sĩ và nhà nghiên cứu, để chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Việc áp dụng blockchain giúp quản lý quyền riêng tư chặt chẽ hơn, đề xuất các mô hình chăm sóc bệnh nhân hợp lý, xác nhận thông tin nhanh chóng và phòng tránh tội phạm buôn bán dữ liệu y tế. 

Kiểm soát gian lận y tế

Blockchain cung cấp một nền tảng an toàn và bảo mật để loại bỏ lỗ hổng trong việc chống gian lận y tế bằng cách cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các dữ liệu được mã hóa có tính minh bạch cao. Đặc biệt, tại các quốc gia đang phát triển, vấn đề thuốc giả đang dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng. Công nghệ chuỗi khối đảm bảo việc theo dõi các sản phẩm y tế kịp thời tại các trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tránh các rủi ro nghiêm trọng trong vấn đề xâm nhập thuốc giả vào hệ thống.

Quản lý chuỗi cung ứng thuốc

Quản lý chuỗi cung ứng luôn có vai trò quan trọng trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt, đối với ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, việc quản lý chuỗi cung ứng thuốc phức tạp và thường gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng của ngành dược phẩm, các công ty trong ngành cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề đảm bảo sự an toàn và hợp lệ của sản phẩm, sản xuất và phân phối thuận lợi, tránh lan truyền dược phẩm giả. 

Trong quá trình sản xuất, cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D), blockchain có vai trò như một hệ thống kiểm soát thuốc kỹ thuật số, giúp các ông lớn trong ngành công nghiệp dược phẩm dễ dàng phát triển các dự án nghiên cứu, kiểm tra và đánh giá loại thuốc mới đầy tiềm năng. Hơn nữa, blockchain là công nghệ phù hợp nhất để theo dõi và quản lý nguồn gốc, tiến trình phân phối thuốc, đảm bảo sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Nghiên cứu khoa học thần kinh

Trong khoa học thần kinh hiện đại, blockchain đóng vai trò là một dạng công nghệ thông tin có khả năng kiểm soát các tín hiệu não được lưu trữ trong giao diện thần kinh qua các thiết bị cảm biến, chip máy tính… Các mệnh lệnh thần kinh của não được blockchain lưu trữ và được chuyển hóa vào các thiết bị bên ngoài như cánh tay robot, thiết bị thông minh, máy bay không người lái, AR/VR (công nghệ thực tế tăng cường/ thực tế ảo). 

Cơ chế của blockchain giúp phát hiện trạng thái tinh thần của bệnh nhân dựa trên dữ liệu khi mô phỏng hoạt động của não, nói cách khác, blockchain hỗ trợ việc đọc và giải thích tín hiệu não rõ ràng và chính xác hơn.

Hiện nay, công nghệ chuỗi khối vẫn còn ít nhà cung cấp hệ thống và phần mềm, chưa được mở rộng và phổ biến tại các nước đang phát triển. Với những lợi ích đã nêu, trong tương lai, blockchain được kỳ vọng sẽ đưa khoa học y tế lên một tầm cao mới, mang đến các tác động tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu. 

Nguồn tin: Tham khảo