Skip links

Tình trạng ảm đạm của công nghệ nông nghiệp Việt Nam

Là quốc gia tự hào với nền nông nghiệp lâu đời tuy nhiên khi nhắc đến lĩnh vực đầy tiềm năng như Công nghệ nông nghiệpcông nghệ thực phẩm (Agtech và Foodtech) Việt Nam vẫn đang trong khoảng lặng dài.  

Thực trạng Agtech và Foodtech trên thế giới 

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào Agtech và Foodtech trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về sự tác động của hoạt động nông nghiệp và xu hướng thúc đẩy làn sóng đầu tư xanh. 

Theo Growth Market Reports và Spherical Insights, khoản đầu tư vào Agtech và Foodtech trên thế giới có doanh thu khủng lần lượt là 19,5 tỷ USD và 233 tỷ USD năm 2019 và được dự báo sẽ tăng lên 46 tỷ USD và 385 tỷ USD vào năm 2030. 

Mức tăng lớn nhất trong tổng số tiền đầu tư quý 1/2023 là trong lĩnh vực bảo vệ cây trồng sinh học, các công ty đã huy động được hơn 92 triệu USD so với quý 4/ 2022.

Ảnh: 10 khoản đầu tư AgTech lớn nhất trong quý 1/2023 Nguồn: CropLife News

Mặc dù có những thông tin cho thấy vốn đầu tư vào Agtech giảm do áp lực từ lạm phát và những biến động thị trường nhưng số lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng. Đây không hẳn là một tín hiệu xấu, các startup Agtech buộc phải xem xét lại mô hình kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn và lên các chiến lược phù hợp là cốt lõi để đạt được thành công. 

Thực trạng Agtech và Foodtech tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 vẫn chưa xuất hiện nhiều thương vụ đầu tư giá trị cao vào lĩnh vực Agtech và Foodtech. Dịch vụ tài chính, Bán lẻ, Y tế, Giáo dục,… tiếp tục dẫn đầu danh sách lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Phân khúc khả quan thuộc Agtech và Foodtech có thể kể tới thương mại điện tử trong lĩnh vực F&B và giao đồ ăn. 

Năm 2022, chỉ có Entobel – startup hiếm hoi trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm chốt được deal khủng 30 triệu USD vốn từ Quỹ Mekong Enterprise Fund IV và Dragon Capital của Mekong Capital. Dù Entobel đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013 nhưng đội ngũ sáng lập và kết quả nghiên cứu đều do người nước ngoài thực hiện. 

Lĩnh vực Agtech và Foodtech Việt Nam có tiềm năng nhưng chưa phát triển 

Nông nghiệp tuy là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhưng về chuỗi cung ứng nông nghiệp với 3 công đoạn: đầu vào, thu mua và phân phối sản phẩm nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. 

Trước năm 2018, các startup Agtech thường tập trung vào công đoạn đầu vào bằng cách sử dụng thiết bị IoT (Internet vạn vật) để nâng cao năng suất canh tác.

Nổi bật có thể kể đến MimosaTEK với giải pháp cho phép hệ thống tưới được vận hành từ xa dựa vào việc phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây, giai đoạn sinh trưởng của cây và người dùng có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Tiếp nối sau đó Foodmap, Kamereo tập trung nhiều hơn đến khâu phân phối nông sản đến người dùng cuối và một phần đầu vào chuỗi cung ứng. Sự xuất hiện của các startup Agtech giúp bù vào những thiếu sót trong ba công đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Tuy vậy, bức tranh phát triển công nghệ nông nghiệp và thực phẩm chỉ mới là phác thảo khi các startup Agtech Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều lực cản như gia tăng chi phí lao động, năng lượng và các đầu vào khác.

Đồng thời làm sao để người nông dân vốn đã quen với cách làm truyền thống và chưa qua đào tạo công nghệ chủ động hơn trong việc chuyển đổi sang sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong tâm lý người nông dân còn lo ngại vấn đề về giá thành sản phẩm công nghệ cao. 

 

Nguồn: Doanh Nhân Trẻ, Mekong Asean, Nhịp cầu đầu tư, tổng hợp