Skip links

Kinh doanh “vị nhân sinh” – cơ hội cho Startup trẻ sau đại dịch Covid-19

Kinh doanh “vị nhân sinh” : Tầm nhìn mới nâng tầm giá trị doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp lớn hiện nay đang chuyển dịch chiến lược phát triển theo hướng bền vững, lấy con người làm tôn chỉ hoạt động (vị nhân sinh). Các startup trẻ với tư duy sáng tạo trong kinh doanh đang không ngừng hòa nhập với những xu hướng mới để nắm bắt cơ hội vươn lên sau đại dịch.

Thay đổi để bắt nhịp với thế giới

  • Sau tác động tiêu cực của Covid-19, con người ngày càng nhận ra được những lỗ hổng trong “sức đề kháng” toàn cầu. Khi thế giới đang phải đối mặt với ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường và các vấn đề xã hội khác thì các doanh nghiệp không thể có thái độ bàng quan trước những sự thay đổi đó.
  • Tại các quốc gia có xu hướng phát triển bền vững, khái niệm kinh doanh theo mô hình “vị nhân sinh” đã không còn xa lạ mà còn được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích phát triển.
  • Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, “vị nhân sinh” trở nên hiệu quả hơn khi được gắn liền với công nghệ để tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong đời sống xã hội.

Khách hàng là trọng tâm phát triển

  • Trong kinh doanh, triết lý “vị nhân sinh” đặt cuộc sống của con người lên làm ưu tiên hàng đầu, không chỉ đơn thuần theo tư duy về khách hàng. Điều này được thể hiện qua các hoạt động hướng đến xã hội, tạo nên những giá trị tích cực để phục vụ con người.
  • Doanh nghiệp giờ đây không chỉ tương tác với người tiêu dùng trên tư duy giao dịch mua bán thông thường mà còn đầu tư cho các hoạt động cải thiện giá trị xuyên suốt hành trình mua sắm và trải nghiệm của khách hàng. Vận hành doanh nghiệp theo hướng “vị nhân sinh” giúp gia tăng giá trị của cả thương hiệu và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp “vị nhân sinh” nhận được nhiều sự quan tâm

Các startup “vị nhân sinh” nhận được nhiều đánh giá cao của Chính phủ và các nhà đầu tư lớn. Theo một báo cáo năm 2021 của Liên minh Đầu tư Bền vững Toàn cầu, khoản đầu tư bền vững tại 5 thị trường lớn nhất thế giới khoảng 35.300 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng lượng vốn đầu tư. Điều này đã trở thành động lực cho các startup trẻ trên hành trình gia nhập thị trường.

tMonitor – dự án cải thiện chất lượng không khí

  • Đây là hệ thống quan sát chất lượng không khí và xử lý khủng hoảng thời gian thực nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, tạo nên bầu không khí trong lành cho cộng đồng. 
  • tMonitor sử dụng công nghệ theo dõi 13 chỉ số chất lượng không khí theo các ngưỡng an toàn được chỉ định bởi EPA và WHO.
  • Dự án xuất sắc đạt được các giải thưởng lớn như Nhà vô địch Châu Á Thái Bình Dương IBM Watson Build 2018, Giải Nhất cuộc thi IoT Startup 2019, Quán quân cuộc thi Startup Wheel 2021 

Gojek – áp dụng mô hình CSV cho mục tiêu phát triển bền vững

  • Gojek có mặt tại Việt Nam từ năm 2018, là nền tảng gọi xe công nghệ cung cấp các dịch vụ kết nối giữa tài xế, nhà hàng với khách hàng.
  • Gojek vận dụng mô hình CSV (Creating Shared Value) giúp tài xế và khách hàng dễ dàng kết nối với nhau, không chỉ mang lại giá trị kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng. Cụ thể, ứng dụng giúp gia tăng cơ hội thu nhập cho tài xế, trở thành cầu nối cho các nhà hàng vừa và nhỏ tiếp cận nền kinh tế số, đem lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

SeeSaw – board game chăm sóc sức khỏe tâm lý

  • SeeSaw là dự án thiết kế bộ câu hỏi giúp người chơi cải thiện sức khỏe tâm lý cùng khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, giúp giảm thiểu tỷ lệ các bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần trong giới trẻ.
  • SeeSaw vinh dự giành giải Nhất cuộc thi Mekong Business Challenge, giải Quán quân Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC) 2021, giải Sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất cuộc thi Startup Wheel 2021.

Tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày nay gắn liền với con người và các vấn đề xã hội. Các startup cần tìm cho mình hướng đi đảm bảo kinh doanh có trách nhiệm, đem lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng.

Nguồn tin: Tham khảo