Skip links

Startup cần biết cách ứng phó với các sự cố khi thuyết trình

Startup sẽ phải trải qua rất nhiều buổi trình bày ý tưởng trước các nhà đầu tư (Pitching) và không tránh khỏi các sự cố.

Startup cần biết cách ứng phó với các sự cố khi thuyết trình

Để có được bài thuyết trình tốt nhất trước các nhà đầu tư (pitching), các startup cần làm những điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng và phải chắc chắn các chi tiết trong bài báo cáo của mình chính xác.

Thế nhưng, bạn không thể ngăn mọi sự cố xảy ra, vì thế, bạn cần chuẩn bị những kỹ năng lẫn tâm lý để xử lý những trục trặc. Tác giả, diễn giả Juliet Lara cũng là nhà sáng lập công ty DERIV8 chuyên tư vấn, đào tạo các startup xây dựng hình ảnh, kỹ năng trình bày… chia sẻ những bí quyết để pitching thành công:

Trước hết, bạn không nên sợ hãi, vì bạn luôn có thể xử lý các sai sót và không làm ảnh hưởng đến cơ hội chiến thắng của bạn trong ngày pitching. Trên trang Techinasia, Juliet Lara chia sẻ một số kinh nghiệm xử lý những tình huống phổ biến:

Trước khi thuyết trình: Chuẩn bị kỹ

Hãy chuẩn bị kỹ càng như bạn chưa bao giờ phải cẩn thận như thế và sẵn sàng đối mặt với những tình huống xấu nhất như một chủ doanh nghiệp thật sự.

– Đừng làm một slide trình bày quá lập dị (đặc biệt không nên hoạt hình hay chèn nhạc). Thay vào đó hãy tập trung truyền tải những điểm đặc sắc nhất trong sản phẩm của bạn.

– Chỉ thiết kế nhiều nhất 10 slide thuyết trình.

– Lưu trữ thêm bản sao slide thuyết trình của bạn trên Cloud (đám mây) hay trong USB.

– Có một bản PDF slide thuyết trình.

– Có 2-3 bản in bài thuyết trình để bạn có thể mang ra sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

– Luyện tập thuyết trình phù hợp với nội dung slide

– Sau đó, bạn luyện tập trình bày mà không có slide. Ghi nhớ những điểm chính mà bạn cần minh họa một cách trực quan để thuyết phục hơn. Ví dụ, nếu bạn có dự đoán về thị phần hay các hình ảnh minh họa, các con số chứng minh khả năng cạnh tranh của công ty bạn so với đối thủ thì hãy nhớ trình bày chúng.

– Luyện tập thuyết trình mà không có mic. Bởi khi sử dụng mic, bạn sẽ bị phân tán vào việc cố làm giọng nói mình trở nên hay hơn. Trong khi đó, luyện tập không mic khiến bạn cố gắng nói to hơn tạo được sự tự tin, thuyết phục hơn khi trình bày. Đồng thời, nó giúp bạn vẫn trình bày tại sự kiện chính thức nếu xảy ra tình huống có sự cố về âm thanh.

– Cần chốt lại bài thuyết trình với việc trả lời các câu hỏi: Thông điệp của bạn là gì? Sản phẩm của bạn có gì khác biệt không? Bạn đến đây để làm gì (tìm quỹ đầu tư, người hướng dẫn, gây chú ý hay tìm lời khuyên)?

Nguồn: velocity.uwaterloo.ca

Trong khi thuyết trình: Ứng phó nhanh với các trường hợp sau:

Slide dừng hoạt động

Nếu slide bị dừng đột ngột khi đang thuyết trình, bạn cần cố gắng tiếp tục trình bày những ý tưởng của bạn một cách tự tin, thoải mái.

Bạn có thể sử dụng những bản in dự phòng đã chuẩn bị trước để chắc chắn bạn vẫn trình bày theo kịch bản rõ ràng, đầy đủ các ý mà không cần đến slide. Chú ý: kể cả khi có bản in, bạn vẫn không nên phát chúng cho khán giả, bởi họ sẽ phân tâm và không chú ý đến những gì bạn nói.

Máy tính hư

Nếu các slide không hoạt động từ đầu và bạn đã đứng trên sân khấu, hãy cứ bắt đầu thuyết trình. Bạn đừng cố gắng loay hoay sửa chiếc laptop mà khiến khán giả phải chờ đợi. Lúc đó, bạn cần bình tĩnh và tìm cách trình bày những ý tưởng một cách hấp dẫn, sinh động hơn. Cách xử lý này cho thấy bạn tôn trọng thời gian của mọi người và của chính bạn.

Hãy ghi nhớ quan điểm này: “Buổi pitching không phải là nơi để trình diễn các slide mà là câu chuyện và hành trình mà bạn và các đồng đội đã trải qua cho đến nay. Vì thế, dù slide không hoạt động, câu chuyện của bạn vẫn có thể tiếp tục”.

Khi bạn bước lên sân khấu, cuộc chơi đã bắt đầu. Mỗi giây qua, bất kể bạn đang nói hay im lặng đều chính là cách bạn thể hiện về bản thân, đội ngũ, sản phẩm của bạn. Hãy bắt đầu bằng nụ cười, nói được vài câu hài hước thì càng tốt, và bắt đầu trình bày một cách tự tin.

Micro hỏng

Micro bị hỏng là một tình huống khá thường xảy ra. Trong nhiều trường hợp, người trình bày không nhận ra mic đã dừng hoạt động và cứ tiếp tục nói, sau đó khán giả la lên: “Chúng tôi không thể nghe thấy gì!”, người trình bày dừng lại đột ngột, quên mất đang nói gì hay cần phải nói gì. Dòng chảy suy nghĩ gián đoạn.

Để tránh rơi vào tình huống đó, bạn hãy chuẩn bị một vài thứ: hãy chú ý đến thái độ của khán giả – những người ở cuối khán phòng. Họ có ra dấu hiệu hay tỏ thái độ không nghe được bạn nói không? Nếu có, hãy chủ động tương tác với khán giả, hỏi họ xem có nghe rõ không, bạn sẽ biết cách để điều chỉnh âm lượng, cố gắng nói to hơn, rõ hơn. Những diễn giả chuyên nghiệp sẽ biết cách theo dõi phản ứng của người nghe và ngay khi mic bị hỏng, họ sẽ nói to hơn, tiếp tục bài diễn thuyết như không có chuyện gì xảy ra. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị như những người chuyên nghiệp để trở nên chuyên nghiệp.

“Quên bài”

Lý do lớn nhất khiến mọi người cảm thấy hoang mang khi slide bị hỏng là sẽ không có công cụ nào nhắc họ phải nói đến điều gì tiếp theo.

Buổi pitching không giống như việc bạn phải “trả bài”, buộc phải học thuộc lòng mọi thứ. Hãy ghi chú những điểm quan trọng, viết dàn ý trên tờ giấy nhỏ và trình bày theo kịch bản được chuẩn bị trước. Đừng cố gắng ghi nhớ từng chữ, thay vào đó, hãy ghi nhớ những điểm bạn muốn nhấn.

Trả lời phản biện

Sau khi kết thúc phần trình bày, bạn sẽ nhận được những câu hỏi từ khán giả. Trong đó, có một số câu hỏi khá hóc búa, liên quan đến tính pháp lý, những dự báo, các vấn đề tiềm năng… Để bớt căng thẳng, bạn hãy xem đây là cơ hội để học hỏi, và nhận ra những lỗ hổng kiến thức để bổ sung. Bạn có thể trả lời một câu hỏi bằng công thức PREP: Point  –  Reason  –  Example  –  Point (Luận điểm – Lý do – Ví dụ – Luận điểm).

Đối phó với trường hợp ai đó đặt quá nhiều câu hỏi, hãy sắp xếp các ý tưởng của bạn, tóm tắt câu hỏi, trả lời từng câu hỏi một với công thức PREP.

Tăng Khánh – Doanhnhansaigon.vn