Skip links

KẾ HOẠCH KINH DOANH CÓ CẦN KHÔNG TRONG KHỞI NGHIỆP?

Theo kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh, Brian Hamilton cho rằng, những kế hoạch trong kinh doanh thường chỉ cho thấy bạn nên nghiêm túc thế nào với dự án của mình và nó cho bạn cái nhìn tổng quan về dự án của bạn chứ không thực sự cần thiết lắm.

Brian Hamilton giải thích:

Khi khởi nghiệp, bạn chưa có đủ thông tin cần thiết cho việc lập kế hoạch

Những tính toán của bạn sẽ không bao giờ đúng khi khởi nghiệp bởi giữa bắt đầu và kết thúc của một chặng đường kinh doanh luôn tồn tại một sự khác biệt rất lớn. Bạn luôn phải tự bắt tay vào làm mọi thứ, từ sản phẩm, giá cả, tiếp thị, phân phối… nên bạn sẽ có cách thích nghi riêng khi bạn thấy điều gì đó sai trái.

Ví dụ khi bạn bắt tay thực hiện 1 vật phẩm handmade, bạn không thể biết được bạn sẽ dư bao nhiêu nguyên liệu và nguyên liệu đó sẽ làm gì cho hiệu quả, nên khi bạn lập kế hoạch bạn chỉ ước tính và điều đó sẽ khác xa hoàn toàn khi bạn bắt tay làm. Thậm chí bạn sẽ lời hơn rất nhiều nếu trong quá trình làm bạn biết cách tái sử dụng vật liệu dư thừa. Hoặc bạn sẽ lỗ nặng nếu bạn để quá nhiều nguyên vật liệu lãng phí.

Một kế hoạch kinh doanh là cần thiết, nhưng cũng cực kì nguy hiểm bởi nó tạo ra những áp đặt lên người khởi nghiệp khiến họ bị kiềm chế sự sáng tạo và tìm được cái mới. Nên khi lập kế hoạch cho dự án, hãy hiểu rằng, đây là một bước để bạn am hiểu hơn về điều bạn đang làm. Đừng quá đặt nặng vấn đề vào kế hoạch.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh giá thêm trên phương diện nếu hoạt động kinh doanh của bạn đã đi được hơn 1 năm. Khi bạn đã có đủ dữ liệu cần thiết và biết cách tiết chế những sự lãng phí thì kế hoạch lúc này là vô cùng quan trọng và cần thiết cho dự án của bạn.

Tài chính và những nỗi lo thường trực trong lập kế hoạch kinh doanh

Tài chính luôn là vấn đề khó khăn nhất ở giai đoạn đầu của các startup. Brian Hamilton chia sẻ kinh nghiệm về khoảng thời gian cách đây vài năm, Sageworks đã xây dựng mô hình tài chính dự đoán doanh thu khổng lồ cho công ty trong 5 năm tới, bất chấp việc lúc đó họ chưa có bất kỳ thu nhập nào.

Và sự thật là, Brian Hamilton cùng với các đồng nghiệp của mình đã mất không dưới 5 năm mới có thể tạo ra thu nhập bền vững cho Sageworks. Đây là một sai lầm phổ biến mà rất nhiều nhà khởi nghiệp dễ mắc phải khi bắt đầu kinh doanh.

Brian thừa nhận rằng đây chỉ là ý kiến chủ quan, nhưng ông tin những doanh nhân giàu kinh nghiệm sẽ đồng ý với ông rằng, mô hình tài chính đã được vạch ra sẵn ngay từ đầu rất dễ dẫn bạn đi đến những quyết định sai lầm cho bất kì doanh nghiệp khởi nghiệp nào.

Biz-Plan

Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có ảnh hưởng tới lập kế hoạch?

Một trong những điểm nhấn và là căn cứ quan trọng không thể bỏ qua cho bất kì Startup nào khi lập kế hoạch cho dự án của mình chính là lĩnh vực kinh doanh mà dự án đó lựa chọn.

Trước khi tốt nghiệp, Brian Hamilton đã từng chọn kinh doanh dịch vụ dọn rửa bằng máy áp suất (dùng máy rửa áp suất để loại bỏ bùn, nấm mốc, bụi bẩn ra khỏi bề mặt bê tông, nhà cửa, xe cộ…). Do tính chất của ngành nghề này, trước khi bắt đầu, ông có thể dự đoán trước chi phí và doanh thu chính xác hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, việc lên sẵn kế hoạch có thể hữu ích trong trường hợp này.

Brian Hamilton cho rằng, trường đại học thường tập trung quá nhiều vào việc dạy các doanh nhân tương lai cách lên kế hoạch, trong khi điều quan trọng hơn là dạy họ cách suy nghĩ, cách sàng lọc ý tưởng, áp dụng các ý tưởng tốt và mạnh dạn loại bỏ các ý tưởng không phù hợp.

Nhìn chung, những kế hoạch kinh doanh ở khía cạnh nào đó có thể giúp cho các nhà đầu tư nhận thấy sự nghiêm túc của bạn đối với dự án. Nhưng kế hoạch sẽ không quá quan trọng bằng việc bạn thực hiện nó thế nào, và các startup cũng không nên quá áp đặt những giới hạn không cần thiết lên giai đoạn bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình. Hãy cứ thử nghiệm rồi tinh chỉnh để tự tìm cho mình con đường đi đúng đắn và hiệu quả nhất. Còn các bảng kế hoạch thì hãy để dành lại đến khi bạn đã thu thập được đầy đủ các dữ liệu cần thiết để áp dụng nó.