Skip links

Vexere: Giấc mơ cách mạng hóa lần hai ngành xe khách Việt Nam

Ngành xe khách của Việt Nam đã trải qua cuộc cách mạng lần thứ nhất bằng việc mua trực tiếp tại bến xe được chuyển sang hệ thống đặt vé qua điện thoại; ghế ngồi sang giường nằm, máy lạnh. Điều này đã giúp thị trường xe khách có sự phát triển vượt bậc. Nhưng với những đặc thù cùng khó khăn riêng, ngành xe khách vẫn chưa thể chuyển mình như máy bay hoặc đặt phòng sang hệ thống online.

Tuy nhiên, lại có một chàng trai tham vọng làm được điều này chỉ với mong muốn “Tri ân lại cuộc sống vốn rất hào phóng với mình”.

Tại sao anh lại chọn làm start up về vé xe chứ không phải là máy bay vì máy bay thì dễ dàng hơn rất nhiều trong việc xác lập hệ thống do đã có sẵn những tiêu chuẩn nhất định, trong khi thị trường vé xe thì còn khá hỗn loạn và có nhiều luật ngầm?

Nếu như chỉ nghĩ về bài toán tài chính thì vé máy bay, khách sạn chiết khấu tuy không cao nhưng giá trị lại lớn hơn hẳn so với vé xe. Khách hàng sử dụng máy bay, khách sạn cũng đã quen với việc sử dụng hệ thống online. Trong khi vé xe vẫn còn là một thị trường cực kỳ sơ khai và đúng như nhận xét “hỗn loạn và khá nhiều luật ngầm”.

Cơ duyên dẫn anh đến với việc start up Vexere.com là khi vào dịp Tết, lúc đó anh đang học MBA tại Mỹ, Tết nhớ nhà nhưng không biết làm gì nên lên mạng đọc báo để cập nhật tin tức. Nhưng càng đọc lại càng bực vì báo chí chỉ toàn đăng tin về việc người dân phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để mua vé. Bạn anh mua vé về Đà Lạt, dậy sớm từ 5h sáng, xếp hàng ở bến xe ngay Đinh Bộ Lĩnh, nhưng vẫn phải lấy số 700. Lúc gần đến số bạn anh thì nhà xe thông báo hết vé nên bạn anh phải quay về tay không sau vài tiếng chờ đợi.

Lúc đó, trong đầu anh nghĩ “Tại sao dân Mỹ chả bao giờ phải xếp hàng mua vé xe/ máy bay mà Việt Nam mình qua bao năm đều phải làm như vậy?”. Từ đó, anh mới suy nghĩ về giải pháp cho trình trạng này: Hệ thống bán vé trực tuyến cho xe khách Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng lớn cho ngành giao thông vốn rất trì trệ ở nước mình, tiết kiệm thời gian bị lãng phí hàng năm lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.

Chính điều này khiến cho anh cảm thấy ý nghĩa với những gì mình đã và đang làm. Hơn nữa, máy bay nhu cầu không lớn bằng xe đò trong khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường. 60% người dân của Việt Nam vẫn còn đi lại bằng xe đò. Dù tài chính có thể không cao bằng máy bay, khách sạn…Nhưng điều mình làm là khác biệt, vì trước đó chưa ai giải quyết vân đề bài toán xe đò triệt để cả.

Anh nghĩ, khi làm một bài toán kinh doanh mà quá đặt nặng vấn đề lỗ lãi nhiều hơn là những giá trị mình thực sự mang đến cho cộng đồng thì rất khó có thể hiểu được nhu cầu, khó khăn của thị trường cũng như thu hút được những người thực sự có tâm, tài, sẵn sàng đi cùng mình đến cuối con đường.

Theo anh, người tiêu dùng của thị trường này, họ quan tâm gì nhất khi sử dụng dịch vụ tàu xe?

 

Khi sử dụng dịch vụ xe tàu, họ luôn lo lắng liệu đây có phải là xe dù hay không, điều này có thể giải quyết bằng cách lên Vexere.com coi nhận xét của những khách hàng đã từng đi trước đó.

Tiếp đến là thông tin của nhà xe từ số điện thoại, đến loại xe, bảng giá vé, dịch vụ đi kèm, so sánh giữa các hãng xe khác nhau. Vexere là nơi duy nhất có thể tìm được những thông tin như vậy. Khách hàng sẽ không phải tốn thời gian tra cứu thông tin trên Google và có rất nhiều nhà xe cũng không đăng tải thông tin trên trên internet. Điều này cũng sẽ ngăn chặn được các nhà xe tự ý tăng giá. Các nhà xe có thể nhìn vào nhận xét của những nhà xe tốt để học hỏi.

Hiện trang Vexere.com là cổng thông tin lớn nhất Việt nam chuyên cấp chỉ dừng lại là một cổng thông tin, nhưng nhanh nhất là vào đầu tháng 8, bên anh sẽ áp dụng hệ thống mua vé trực tuyến với các hình thức thanh toán đa dạng dành cho nhiều loại người dùng khác nhau.

Khách hàng sử dụng vé xe thuộc thành phần thu nhập khá – trung bình và thấp của Việt Nam. Đa phần trong số đó chưa quen thuộc với khái niệm “Thương mại điện tử”, “mua vé trực tuyến”, “Thanh toán qua mạng”…Anh đã có phương án nào thay đổi thói quen này?

Hiện giờ Vexere đã có những phương án giáo dục người tiêu dùng, thay đổi thị trường. Bên cạnh đó Vexere còn thiết kế hệ thống thanh toán đa dạng, không giới hạn trên mạng mà còn có C.O.D (cash on delivery).

Thời gian đầu, bên anh sẽ chú trọng vào C.O.D, sau đó sẽ từ từ hướng dẫn cho khách hàng chuyển sang các hình thức thanh toán online. Để làm được điều đó, Vexere cần cung cấp lợi ích đến khách hàng khi sử dụng thanh toán online, ví dụ như giá vé sẽ rẻ hơn phương án C.O.D. Hiện giờ, bên anh đang hướng vào hình thức thanh toán mobile, rất phù hợp với thị trường này vì đa phần khách hàng đều sử dụng featured phone

Untitled

Anh có thể chia sẻ khó khăn của thị trường xe đò hiện nay tại Việt Nam khi áp dụng hệ thống đặt vé qua điện thoại và giải pháp mà Vexere mang lại?

Việc chuyển qua hệ thống đặt vé qua điện thoại, giường nằm, máy lạnh đã là một cuộc cách mạng rất lớn của ngành vận tải giao thông ở Việt Nam. Thời gian tới, thị trường xe khách tại Việt Nam sẽ trải qua một cuộc cách mạng thứ hai chính là chuyển hệ thống đặt vé sang online.

Khó khăn của nhà xe là khi đặt qua điện thoại sẽ rất hay có sai sót do nghe điện thoại không rõ. Số lượng điện thoại phải nghe trong một thời gian quá lớn và liên tục nên điện thoại viên không tránh khỏi việc bực mình và thể hiện thái độ không tốt với khách hàng. Trong khi sử dụng hệ thống thương mại điện tử, nhà xe có thể sử dụng số lượng nhân viên cho việc nghe điện thoại đặt vé sang bộ phận chăm sóc khách hàng nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ.

Rủi ro khách hàng hủy vé cũng là rất cao vì họ không phải trả tiền trước. Hiện giờ, tỷ lệ hủy vé trung bình của các nhà xe trên toàn Việt Nam là khoảng trên 30%, một con số rất lớn. Điều này dẫn đến việc sắp xếp xe rất khó và thống kê doanh thu hằng năm. Khách hàng cũng sẽ ngại hủy vé vì họ phải trả tiền trước qua hệ thống online, nếu hủy sẽ phải mất một khoảng phí, giảm thiểu tình trạng gọi điện thoại đặt vé phá nhà xe.

Mỗi ngày, nhà xe phải tổng kết số tiền thu được, giờ nào xe đông, thời điểm nào trong năm đi nhiều nhất để điều phối lượng xe thích hợp…Tất cả những hoạt động này đều phải làm bằng tay, khá là khó và dễ bị mắc lỗi sai sót trong quá trình nhập liệu. Trong khi nếu áp dụng hệ thống quản lý nhà xe VeXeRe, nhà xe chỉ mất chưa quá 30 giây.

Ngoài ra, hệ thống còn giúp thu thập phản hồi từ khách hàng để tăng tính cạnh tranh cho hãng xe, giúp họ cải thiện dịch vụ tốt hơn. Với những hãng xe nhỏ, chạy những tuyến đường địa phương thì hệ thống vé xe sẽ giúp họ được quảng bá dến với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ví dụ như quê của em là Bình Định, như vậy em chỉ biết tuyến xe Hoa Nho chạy trong tỉnh Bình Định và những tuyến xe chạy trên các trục đường lớn Nam Bắc. Khi em đi du lịch, đến Bến Tre, em không biết là phải đi xe nào để di chuyển giữa Bến Tre va An Giang. Vexere sẽ giúp các hành khách dễ dàng tìm kiếm những thông tin này.

Trên một tuyến đường sẽ có nhiều chặng khác nhau, và trên mỗi chặng sẽ có một đại lý bán vé khác nhau. Một người muốn mua vé đi trong chặn thì phòng vé ở chặng đó phải gọi hỏi xác nhận những chặn khác. Điều này dẫn đến việc mất thời gian và làm việc kém linh hoạt. Trong khi chỉ cần đăng nhập vào Hệ thống Quản lý hãng xe VeXeRe, các đại lý bán vé sẽ biết ghế nào còn, ghế nào trống để bán cho khách.

Vé bằng giấy sẽ được thay thế bằng sms và email ticket, giảm thiểu được thời gian, công sức, tiền bạc in vé.

Người Việt Nam khi kinh doanh rất ngại cạnh tranh và bị so sánh. Với công cụ tìm kiếm của Vexere, mọi người luôn có thể tìm thấy vé rẻ nhất, điều này sẽ dẫn đến bất lợi cho những hãng xe có vé xe giá đắt hơn và người tiêu dùng cũng sẽ trở nên nhạy cảm với giá hơn vì giờ họ có thể so sánh giá một cách dễ dàng. Anh nghĩ gì về điều này?

Anh nghĩ cạnh tranh là một xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, nhất là khi nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu và tiêu chuẩn cũng như thu nhập của người dân ngày càng cao hơn. Có thể hệ thống này sẽ gây bất lợi cho những nhà xe kém chất lượng, nhưng đồng thời nó cũng sẽ giúp cho những nhà xe có chất lượng, dịch vụ tốt được nhiều người biết đến.

Để làm được điều này, bên anh phải đảm bảo một nguyên tắc là chỉ có những người đi đúng hãng xe đó mới được phép viết nhận xét trên hệ thống của Vexere. Những nhận xét hiện giờ trên hệ thống của anh đều là do bọn anh đi phỏng vấn trực tiếp những khách hàng đã sử dụng dịch vụ của các nhà xe ngay tại bến xe. Tính khách quan của hệ thống là một trong những điểm được đặt lên hàng đầu.

10626444_803762403008639_3996070431614030738_o
Bạn Đào Việt Thắng, thành viên dự án Vexere đang thuyết trình về dự án tại Chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – Startup Wheel 2014

Bên cạnh những khó khăn trên, anh còn gặp khó khăn nào trong việc vận hành hệ thống, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam mình và tiềm năng của thị trường?

Khó khăn nhất chính là từ nội bộ vì tìm được người cùng chí hướng với mình không phải là một điều dễ dàng, thuyết phục họ từ bỏ tất cả đi theo mình trong khi bản thân mình chưa có gì ngoài một ý tưởng lại càng khó khăn gấp bội. Tất cả những gì anh có thể cho họ chính là một cơ hội trong đời được sống hết mình với những gì mình muốn, được đam mê làm việc và được cống hiến cho cuộc sống, để lại cái gì đó với đời.

Thị trường rộng và tiềm năng với tốc độ tăng trưởng trung bình 15% nhưng lại phải đầu tư thời gian giáo dục người dùng, đây vẫn còn là một đại dương xanh với rất nhiều tiềm năng tuy nhiên không thiếu những cơn sóng dữ.

Anh có nghĩ đây là thời điểm thích hợp để anh khởi nghiệp Vexere: Thị trường khó khăn và ngay cả anh cũng thừa nhận là còn thiếu rất nhiều thứ?

Khi được hỏi về việc khởi nghiệp, đa phần mọi người đều nghĩ rằng họ sẽ khởi nghiệp khi có “đủ”: đủ kinh nghiệm, đủ bạn đồng hành, đủ trải nghiệm, đủ quan hệ, đủ tiền…Rất nhiều cái đủ cộng lại.

Khi làm Vexere, anh gần như không có gì trong tay: Tiền không, kỹ năng chưa đủ, kiến thức CNTT bỏ quá lâu nên cũng gần như rơi rụng đi ít nhiều…Anh không có những nhân tố cần thiết để khởi nghiệp trong thời gian đầu, nhưng anh lại có một niềm đam mê mãnh liệt và một niềm tin vững chắc về điều mình đang làm. Dù ăn hay ngủ, đêm hay ngày, anh luôn nghĩ về nó. Anh tin chắc chắn vào những gì mình đang làm và giá trị xã hội mà Vexere có thể mang lại cho hàng triệu con người lao động trên toàn Việt Nam vẫn phải xếp hàng mua tấm vé tết về quê. Anh biết được những gì mình làm có thể giúp ích rất nhiều cho cho xã hội thông qua việc tiết kiệm hàng triệu giờ xếp hàng đang bị lãng phí mỗi năm.

Và đây cũng là một cách để anh tri ân lại cuộc sống vốn rất hào phóng với mình vì anh quan niệm cuộc đời là một chuối những “cho” và “nhận”. Khi anh vào đại học, ba anh bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, mẹ anh một mình vất vả nuôi cả gia đình, anh chị em ăn học nên người. Ngay khi anh buông xuôi nhất, muốn bỏ học nhất thì mẹ anh đã động viên anh rằng “Cho mày bao nhiêu tiền cũng không bằng cho mày một cần câu cơm, cố gắng học cho thành tài đi con.”. Sau đó, rất may mắn là khi đi học có khá nhiều mạnh thường quân tài trợ học bổng cho anh, nhờ họ, anh mới có thể hoàn thành theo đuổi chương trình đại học và MBA.

Khi đã có được niềm tin, sự đam mê, anh bắt đầu đi tìm kiếm những người cộng sự với mình. Anh hỏi những người bạn cũ học chung với anh ở đại học, những người đang làm trong ngân hàng, các công ty lớn…Họ đều có một cuộc sống ổn định với thu nhập tốt và tương lai rộng mở, nhưng họ đã bỏ tất cả để cùng anh tham gia vào start up.

Anh luôn tâm niệm “Chỉ khi mình cho đi là lúc mình nhận lại nhiều hơn”. Như khi lập ra CLB Kỹ Năng Sống đầu tiên ở Tp. HCM, anh không hề tâm niệm là mình sẽ được và mất gì từ điều này. Anh làm đơn giản vì anh có niềm tin rằng “Nếu như nước là một phần tất yếu của cuộc sống thì kỹ năng sống cũng là một phần tất yếu của sự thành công”. Nếu như có nhiều bạn trẻ được trang bị thành công thì Việt Nam mình sau này mới có thể vươn vai sánh bước cùng các cường quốc năm châu. Và nhờ CLB Kỹ Năng Sống này, mà anh đã nhận được nhiều học bổng MBA có giá trị từ các đại học trong và ngoài nước (Sing, Úc, Mỹ).

Hãy sống bằng một cái tâm, cuộc đời này sẽ không bạc đãi mình.

(Theo Action.vn)