Skip links

TBKTSG – Vì sao khởi nghiệp

(TBKTSG) – Ba năm về trước, từ bỏ mức lương 3.000 đô la Mỹ/tháng tại một công ty lớn, T. cùng vài người bạn lao vào viết một ứng dụng mà theo mô tả là giúp các bậc phụ huynh kiểm soát được con cái; các ngân hàng cũng có thể theo dõi hoạt động tại các cây ATM… Sản phẩm ra lò nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được đầu ra.

757eb680e9f2d001ef137cf06035178f

Câu chuyện của T. được kể cho một doanh nhân trẻ ở TPHCM, như một cách giãi bày tâm sự đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ, và cũng là để tiếp thị đến khách hàng. Nhưng câu trả lời thì vẫn dừng ở: “Để xem đã…”.

Bao nhiêu tiền dành dụm T. đã tiêu hết, giờ còn phải vay thêm nợ, đã thế, vợ còn đòi li dị. Nhưng với máu khởi nghiệp, T. vẫn không từ bỏ. Sự thành công của Nguyễn Hà Đông với ứng dụng trò chơi Flappy Bird khiến cho những người thất bại như T. càng quyết tâm hơn. Hiện ban ngày T. đi làm, tối đến lại hì hục cho dự án riêng của mình.

Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird vẫn chưa hết nóng đối với những người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng giới khởi nghiệp cũng đã nhận thấy những hệ lụy đằng sau đó. Sự thành công của Flappy Bird đã kích thích rất nhiều nhà phát triển ứng dụng từ bỏ công việc hiện tại để khởi nghiệp, lập công ty mới, thế nhưng đa số trong đó thất bại.

Tháng 5 này có một số sự kiện liên quan đến khởi nghiệp. Ngày 16-5 có cuộc gặp gỡ của nhóm 17 cố vấn (mentor) với 25 bạn trẻ trình bày các dự án khởi nghiệp (mentee) do nhóm SME Mentoring and Networking Saigon (SMEMNS) triển khai. Ngày 19-5 là Diễn đàn quốc tế kinh doanh sáng tạo (IIBF) – sự kiện của Bộ khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Sự kiện IIBF lần thứ hai này có một khách mời nổi tiếng từ Israel là Oren Simanian – người sáng lập trung tâm khởi nghiệp Tel Avis. Rải rác ở khắp nơi, người ta đễ dàng bắt gặp những buổi chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức trong các hội trường, các quán cà phê, và những người đang âm thầm ấp ủ, tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh, gọi vốn…

Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Công ty Quảng cáo Adtop, đăng trên Facebook của mình tâm sự của người khởi nghiệp: “Bạn bè nghĩ: làm tướng thì oai. Gia đình nghĩ: làm tướng thì ngon. Cộng sự nghĩ: làm tướng thì sướng. Còn thực tế thì luôn cày như trâu, áp lực căng thẳng thường xuyên và nhiều đêm mất ngủ”.

Một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang hình thành, tự thân vận động. Các vườn ươm (incubator) trong các trường đại học, các khu công nghệ cao, những dự án khởi nghiệp (startup), các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture investor), các nhà đầu tư thiên thần (angel investor), các cố vấn (mentor), các chương trình đầu tư tăng tốc (accelerator)… đang tạo ra những lớp doanh nhân mới.

Vì sao khởi nghiệp?

Nhưng có nhất thiết khởi nghiệp khi có thể chọn một con đường khác? Nguyễn Thu Hà, Giám đốc dự án của nhóm SMEMNS, đặt câu hỏi trên diễn đàn: “Tại sao những “siêu sao” làm thuê như Lê Trung Thành, Trần Bảo Minh… lại không khởi nghiệp trong khi chúng ta thấy họ là những người có đủ lý do và khả năng thành công? Tại sao các bạn lại khởi nghiệp?”.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch của Kingbee Media và Le & Associates, trả lời: “Tôi khởi nghiệp vì muốn sự tự chủ và làm giàu, nhưng thành công là nhờ đam mê”.

Một bạn trẻ kể rằng anh khởi nghiệp vì nghèo. Bị bạn gái cho rằng nếu không thay đổi “tình trạng” thì sẽ không có tương lai, anh đành phải “vắt chân lên trán suy nghĩ”: anh khó đi làm vì thiếu trình độ và kinh nghiệm, chỉ có con đường đi ra buôn bán, tuy cực một tí nhưng cũng có cảm giác thoải mái về tiền bạc. Kinh nghiệm của anh là vừa làm vừa học, riết mà thành. “Nói khởi nghiệp thì nghe to tát chứ thực ra là mở lối đi riêng, cứu chính bản thân mình trước!”.

Một câu trả lời khác: khởi nghiệp cũng là một cách sống thể hiện tính cách, triết lý sống của cá nhân. Phan Đinh Tuấn Anh, người sáng lập Angel for us, cộng đồng nhà đầu tư thiên thần, chia sẻ anh khởi nghiệp vì đi theo truyền thống gia đình, theo thời gian, công việc làm ăn trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống.

Rất nhiều tâm trạng của các nhà khởi nghiệp đan xen. Cho dù bắt đầu từ đam mê nhưng đôi khi khởi nghiệp là để vượt qua nỗi sợ hãi: sợ thất bại, sợ mất tiền, sợ mất mặt. Có người cho rằng nếu họ vượt qua được một lần thì sẽ có thể làm lại, làm lại nữa. Họ không để “nỗi sợ” kiểm soát bản thân. Ao nhỏ không dám bơi thì làm sao ra biển lớn.