Skip links

KHAMPHA.VN – Sử dụng côn trùng trong chăn nuôi và xử lý rác thải

Với tác dụng xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein cung cấp cho chăn nuôi, loại côn trùng ruồi lính đen đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm mỗi trường và cạn kiệt tài nguyên hiện nay.

Nhận thức được điều đó chị Lê Hồ Thanh Thảo (công ty TNHH Pi Link- Q. Bình Thạnh- TP.HCM) cùng với một đồng sự có thâm niên 20 trong lĩnh vực thú y đã xây dựng một dự án mang tên “Sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi”. Dự án được thực hiện với 3 sản phẩm mục tiêu (3 Target product): Thức ăn chăn nuôi có hàm lượng dinh dưỡng cao (Feed ingredients), phân bón (Fertilizer) và năng lượng sau khi chiết tách (Fuel).

“Việc sử dụng côn trùng trong chăn nuôi là một xu hướng tất yếu của thế giới. Đặc biệt, ruồi lính đen được tổ chức nông lương Liên hợp Quốc FAO công nhận là giống côn trùng được ưu tiên trong việc xử lý rác thải và sử dụng hàm lượng protein (và các chất khác) thay thế cho tài nguyên cá đang cạn kiệt. Nắm bắt được điều đó, chúng tôi đã và đang cố gắng xây dựng kỹ thuật chăn nuôi và phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu chăn nuôi”- chị Thảo cho biết.

Sử dụng côn trùng trong chăn nuôi và xử lý rác thải - 1

Chị Lê Hồ Thanh Thảo với dự án của mình tại ngày hội khởi nghiệp (Startup Day) 2015.

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, là một loại ruồi được nhiều nước trên thế giới sử dụng để phân hủy rác thải hữu cơ rất hiệu quả. Ruồi lính đen có sẵn trong môi trường tự nhiên nước ta; con trưởng thành có màu đen, dài 12-20 mm, trông hình dạng dễ lẫn lộn với loài ong. Vòng đời của ruồi lính đen kéo dài khoảng hơn 1 tháng, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Con trưởng thành sống khoảng 3-5 ngày, không ăn uống, sống dưới bóng cây. Mỗi con cái đẻ khoảng 500 trứng rồi chết.

Theo các thử nghiệm trên thế giới và tại Dự án cho thấy, ấu trùng (dòi) của ruồi lính đen có thể phân hủy hầu hết các loại rác hữu cơ của hộ gia đình thải ra. Quá trình phân hủy diễn ra nhanh, phụ thuộc vào loại rác. Rác thải từ thức ăn thừa, rau cải hư, củ, quả… được phân hủy trong 10-12 giờ; với chất thải có thành phần cellulose cao như giấy vụn, rơm, lá chuối cần đến 10-15 ngày.

Sử dụng côn trùng trong chăn nuôi và xử lý rác thải - 2

Chu kỳ sinh trưởng của ruồi lính đen.

Phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen xử lý rác hữu cơ không gây ra mùi hôi, không tạo ra nguồn nước thải, không tạo ra hiệu ứng nhà kính, lại làm giảm thể tích chất thải đến 90%. Một ưu điểm khác đáng được quan tâm là lượng chất thải hữu cơ nhanh chóng được giảm thiểu và tái chế (thông qua ấu trùng) tại các hộ gia đình, nên sẽ giảm đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ.

Ấu trùng ruồi sẽ tiết ra enzyme để phân hủy rác trước khi rác có mùi hôi. Chính vì vậy, các sinh vật yếm khí sẽ không có điều kiện hoạt động trong toàn bộ quá trình phân hủy.

Khi trưởng thành, ấu trùng sẽ chuyển từ màu kem sang màu đen, miệng và ruột chuyển hóa và ấu trùng sang giai đoạn hóa nhộng. Thành phần dinh dưỡng trong ấu trùng ruồi trước giai đoạn hóa nhộng (sấy khô) gồm: 43 -51% protein, 15-18% chất béo, 2.8% – 6.2% canxi, 1-1.2% phôtpho.

“Để nuôi tốt ruồi lính đen, người đầu tư phải xây dựng cơ sở vật chất qua ba cấp độ tùy vào quy mô nuôi và tình hình tài chính phù hợp. Hơn nữa, việc áp dụng máy móc, các tiến bộ khoa học trong việc xậy dựng cơ sở vật chất đóng vai trò rất quan trọng”- chị Thảo nói.

Sử dụng côn trùng trong chăn nuôi và xử lý rác thải - 3

Giới thiệu cho nhà đầu tư về những đặc tính ưu việt của việc nuôi ruồi lính đen.

Dựa theo qui trình sinh trưởng của ruồi lính đen có thể phân thành 4 khu như sau: Khu vực tập kết phân/rác thải, khu vực tập kết ấu trùng, khu vực ấp trứng, nhà lưới.

Cơ sở cấp độ 1 với quy mô xử lý 1-500 kg rác thải đầu vào cho ra tỉ lệ ấu trùng: rác thải là 1:5 (0.2-100 kg ấu trùng) và sinh khối là 1:20. Đầu tư thực tế bể xi măng 2 m2 chứa được 150-180 kg rác thải phân hủy trong 14 đến 18 ngày cho ra 30 kg ấu trùng tươi.

Cơ sở cấp độ 2 với quy mô xử lý 500-1000 kg rác thải đầu vào. Tỉ lệ ấu trùng: rác thải là 1:5 (>100-400 kg ấu trùng) và sinh khối là 1:20. Cấp độ 2 dự kiến sẽ có khu vực tập kết rác thải riêng, hệ thống tách nước ra khỏi phân và rác thải, có máy nghiền và vận chuyển rác, hệ thống sàng rung tự động, hệ thống máy sấy ấu trùng, nhà lưới nhân tạo. Ở quy mô cấp độ 2, dự kiến mỗi người phải tốn chi phí 200 đến 500 triệu cho việc đầu tư máy móc.

Cơ sở cấp độ 3 có thể chiết tách các thành phần trong cơ thể ấu trùng bằng máy móc và sử dụng sinh khối ấu trùng làm phân bón.

Với quy trình sản xuất chăn nuôi ruồi lính đen, mỗi người nông dân sẽ trở thành một người nông dân hiện đại, xây dựng một mô hình doanh nghiệp xã hội phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên.

 

Hà Thế An