Skip links

Kamaboko – giấc mơ chả cá ngon lành cho người Việt

Nhiều người nói khởi nghiệp cần đam mê, và có lẽ không gì thể hiện rõ sự đam mê bằng hình ảnh người phụ nữ bầu bì mang sản phẩm của mình từ Nha Trang vào TPHCM để tham dự cuộc thi khởi nghiệp.

Chị đi thi không phải để gọi đầu tư và cũng không hẳn để giành giải thưởng mà chỉ muốn được học hỏi và giới thiệu sản phẩm của mình đến với mọi người.

Người phụ nữ đặc biệt ấy là Nguyễn Thu Hồng – một nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Nha Trang – và sản phẩm chị mang đến vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2016 tối 27-8 là sản phẩm chả cá Kamaboko.

Trong tiếng Nhật, Kamaboko cũng chính là chả cá. Vậy tại sao lại đặt tên là chả cá Kamaboko với sự lặp lại? Chị Hồng chia sẻ rằng đặt tên kết hợp như vậy vừa để làm nổi bật rằng đây là chả được làm từ cá Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản, vừa để tạo sự tò mò, thu hút khách hàng.

Công nghệ Nhật Bản, theo chị Hồng, mà yếu tố quyết định ở đây chính là sử dụng protein myosin – một chất được chiết tách từ chính cơ thể cá để tạo độ dai cho sản phẩm, nhờ đó, tránh dùng những hóa chất độc hại.

Nói thì ngắn gọn nhưng để làm được sản phẩm và đem đi giới thiệu, chào hàng là cả một quá trình gian nan đòi hỏi sự đam mê và kiên trì.

Năm 2013, trở về từ Nhật, sau khóa học về nghiên cứu hóa sinh biển tại Đại học Tokyo, chị Hồng tiếp tục công việc nghiên cứu của mình tại Viện Hải dương học, nơi chị bắt đầu làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trước đó.

Công việc tại viện nghiên cứu diễn ra đều đều. Rồi cũng trong năm này, lại rộ lên câu chuyện chả cá bẩn, độc hại. Chị nghĩ tại sao mình không làm chả cả nhỉ? Chị nhớ lại quãng thời gian ở Nhật, những khi đến nhà giáo sư hướng dẫn ở trường, được đãi món chả cá mà chị không nghĩ rằng có thể ngon và dai một cách tự nhiên, không dùng đến hóa chất như vậy. Khi ấy, chị nói với vị giáo sư rằng sẽ làm chả cá tương tự khi về Việt Nam.

Và lời nói ấy được chị bắt tay thực hiện từ tháng 8-2013. Mỗi sáng, chị dậy lúc 4 giờ, ra chợ tìm mua cá tươi và mày mò tự làm. Mọi thứ vô cùng khó khăn với một người tay ngang như chị: không kiến thức, không thiết bị, không người hướng dẫn, không nhiều kinh phí với mức lương của một người làm công tác nghiên cứu.

Chị thử với phương pháp truyền thống của người Việt. Không đạt. Chị nhờ vị giáo sư thân quen bên Nhật giúp đỡ tài liệu. Một tập luận án tiến sĩ nghiên cứu chả cá từ Nhật được gửi sang. Chị tiếp tục quá trình thử – sai – thử – sai. Sở dĩ như vậy vì ai làm nghiên cứu cũng hiểu rằng không ai đưa hết bí quyết của mình vào trong báo cáo. Và dù báo cáo có đầy đủ cũng không thể hiện hết những nút “thắt – mở” trong quá trình nghiên cứu.

Chín tháng liên tục, không một lần thành công. Sang tháng thứ 10, sản phẩm khá hơn nhưng vẫn không đạt như những gì chị kỳ vọng. Tuy vậy, chị vẫn rất vui vì bởi bước tiến, dù nhỏ, cũng đủ đem lại nguồn động viên lớn để tiếp bước.

(Chị Nguyễn Thu Hồng giới thiệu về dự án của mình tại cuộc thi. Ảnh: BTC)

Chị trao đổi email cùng vị giáo sư và quyết định sang Nhật nghiên cứu và học một khóa ngắn hạn để làm chả cá theo quy trình và công nghệ Nhật. Nhưng rồi tiền đâu để đi?

Chị kể, vị giáo sư hỏi chị: “Em có đủ kinh phí để đi không”? Chị trả lời rằng có mặc dù biết chắc là không phải như vậy. Cũng may vị giáo sư hiểu ý và tài trợ vé máy bay và phòng trọ, còn chi phí sinh hoạt và đi lại, chị tự làm thêm để trang trải.

Tháng 8-2014 chị sang Nhật, bắt đầu một khóa học mới, khóa học của một ước mơ rất rõ ràng. Ở đó, dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư, chị nghiên cứu về protein tạo dai myosin, và làm chả cá dựa trên ứng dụng của loại protein này trong phòng thí nghiệm.

Hoàn thành khóa học, chị hiểu điều chị học được mới dừng ở quy mô phòng thí nghiệm. Khi sản xuất đại trà, trong môi trường thật với nhiều thông số khó kiểm soát hơn, mọi việc rất khác. Vậy là chị nhờ vị giáo sư giúp chị được thực tập ở một công ty nằm tốp đầu về sản xuất chả cá tại Nhật – nơi vị giáo sư là cố vấn ở đó.

Tháng 3-2015, qua lời giới thiệu của vị giáo sư, chị được nhận thực tập và học làm chả cá với sự mở lòng của vị CEO công ty: “Hãy ở lại đây thực tập và chúng tôi sẽ dạy bạn tất cả những gì chúng tôi có”. Không những vậy, vị CEO còn khuyên chị hai điều quan trọng: “Muốn làm chả cá thành công ở Việt Nam, bạn phải trở thành chuyên gia và có một nhà đầu tư thật sự yêu thích lĩnh vực này đi kèm”.

Trở về Việt Nam, chị háo hức bắt tay làm ngay. Cả ngày làm ở Viện Hải dương, tối về cắm cúi làm chả cá đến 2 giờ sáng; rồi thức dậy lúc 5 giờ để mua cá tươi, giao hàng và chuẩn bị công việc.

Niềm đam mê có thể mãnh liệt, nhưng cơ thể có quy luật riêng. Sức khỏe chị suy giảm, có lúc phải nhập viện. Khỏe lại, chị nghĩ mình phải thay đổi, rồi thì lên mạng tìm về khởi nghiệp và hiểu rằng mình cần những người cộng sự để cùng xây ước mơ.

Cứ gõ cửa và cửa sẽ mở. Chị có những người cộng sự mới, những người cũng từng là du học sinh Nhật như chị, hiểu được giấc mơ chả cá và tiềm năng của sản phẩm. Mỗi ngày, tại cơ sở 12 mét vuông ở số 18 Củ Chi, Vinh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa, chừng 30 kg chả cá được sản xuất và đưa ra thị trường.

Và may mắn tiếp theo xuất hiện. Trong chuyến công tác cùng đồng nghiệp ở Viện Hải dương học đến Bến Tre nhằm hỗ trợ tìm giải pháp gia tăng giá trị cho thủy sản ở địa phương này, thay vì chỉ xuất thô, chị được một vị lãnh đạo nơi đây kết nối với nhà đầu tư. Sắp đến, một cơ sở sản xuất chả cá 2.000 mét vuông sẽ được xây dựng.

Gần hơn, tháng 9-2016, một nhà hàng mang tên Sapovi – kết hợp giữa hai từ Saporo, tên một loại bia của Nhật, và Việt – chuyên về chả cá sẽ được hình thành tại Việt Nam mà vốn đầu tư đến từ một người Nhật Bản khi họ tình cờ dùng thử và phải lòng món chả cá chị Hồng làm.

Vậy là chuyên gia có, nhà đầu tư có, chị đã có hai yếu tố cơ bản để sản xuất chả cá tại Việt Nam như lời khuyên của vị CEO từ Nhật. Điều kiện cần đã có, còn để đủ cho thành công, có lẽ sẽ là một câu chuyện dài mà dễ thấy trước mắt, như chị chia sẻ là vấn đề nguồn nguyên liệu.

Kết thúc cuộc thi đêm 27-8, chị được nhận giải “Người nữ sáng lập xuất sắc nhất”. Giải thưởng xứng đáng với sự đam mê và kiên trì theo đuổi giấc mơ của chị. Chị tâm sự, ở quốc gia mà chị từng đến, họ dành sản phẩm ngon nhất cho dân tộc của họ. Tại sao mình không thể làm điều tương tự cho Việt Nam?

_ Theo TBKTSG _