Skip links

Cố vấn khởi nghiệp người Úc: Có những điểm về văn hoá Việt Nam sẽ cản trợ các bạn!

“Việt Nam có những điểm văn hoá giúp các bạn đi xa được, nhưng có văn hoá sẽ cản trở các bạn”, ông Tony Wheeler – cố vấn phát triển khởi nghiệp ở Úc, chia sẻ với báo Trí thức trẻ.

Sau 10 năm kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam để du lịch, ông Tony Wheeler nhận ra có nhiều sự đổi khác. Những đổi khác này đến từ sức sống của các doanh nghiệp khởi nghiệp: nhiều năng lượng, động lực, nhiều dự án đầy háo hức.

Tony Wheeler là cố vấn phát triển khởi nghiệp ở Úc. Công việc thường xuyên của ông là hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ. Bên cạnh đó, ông cũng là nhà đồng sáng lập các dự án công nghệ và là nhà đầu tư thiên thần.

“Theo quan sát của tôi, nhiều cá nhân, tổ chức của Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là điều rất tốt. Một điểm thú vị là khi tôi về Đồng Tháp, nhiều nông dân đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề họ gặp phải và yêu cầu các giải pháp mới”, ông Tony trao đổi.

Sự phát triển của giới startup Việt Nam khiến ông tỏ ra hào hứng với tốc độ phát triển nhanh chóng cũng như nhiệt huyết trong những cá nhân ông tiếp xúc. Dù vậy, cộng đồng này đối với ông dù khả quan nhưng lại quá non trẻ.

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công ở Úc, ông Tony cho rằng một hệ sinh thái khởi nghiệp cần phải hội đủ nhiều thành tố, trong đó có công ty lớn, đơn vị nghiên cứu, quỹ đầu tư, Chính phủ…

Tuy nhiên, ở Úc, khẩu quyết của nước này là “nhà sáng lập trước nhất”. Bởi lẽ hệ sinh thái nếu được dựng lên bởi các tổ chức Chính phủ, các trường đại học sẽ không có được hiệu quả, uy tín dài lâu. “Chúng ta cần nhiều founder hơn”, ông Tony nói.

Trong suốt quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, vị chuyên gia này cho rằng: “Văn hoá chiến thắng chiến lược”. Theo đó, một kế hoạch dù hay đến bao nhiêu, cũng sẽ chỉ là bản viết, vẽ trên giấy, việc hiện thực hoá nó, phụ thuộc vào yếu tố văn hoá.

Đơn cử như nước Úc là một nền văn hoá cá nhân, thích làm việc độc lập, ít tương tác. Do đó, biểu hiện ra bên ngoài là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước, thay vì cùng hợp sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Người Úc còn hơi lười, ông Tony nói và lý giải quốc gia này ỷ lại vào việc bán tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, sau tất cả, khi nguồn vốn này cạn kiện, họ bị đặt vào bài toán buộc phải đổi mới, phải hợp tác với nhau để sáng tạo hơn. “Điều này tương tự với Việt Nam”, ông cho biết.

“Việt Nam có những điểm văn hoá giúp các bạn đi xa được, nhưng có văn hoá sẽ cản trở các bạn”, ông Tony nói. Tuy nhiên, ông không chỉ rõ những nhược điểm này. Nói với Trí Thức Trẻ, Tony giải thích rằng không có câu trả lời đúng tuyệt đối cho vấn đề này. Văn hoá là một chuỗi hành vi, thói quen. Do đó, người Việt phải tự ngồi lại với nhau, tìm kiếm những nhân tố văn hoá nào không phù hợp, liên tục thử nghiệm rồi tìm lời giải đáp tương thích nhất.

Đối với mô hình khởi nghiệp, vị chuyên gia đến từ Úc nói rằng nhiều nơi vẫn đang học theo mô hình của Silicon Valley để làm những thứ tương tự. Tuy nhiên, môi trường căng thẳng, cạnh tranh liên tục của Silicon Valey dường như đang không còn hiệu quả, nhiều người đã phải rời đi, tìm kiếm những mô hình mới. Ở Israel, Mỹ, Anh… đã bắt đầu xuất hiện các mô hình hiệu quả hơn, trong đó, tập trung vào sự hợp tác, thay vì cạnh tranh.

Như vậy, không có một mô hình nào là chính xác nhất. Việt Nam, trong quá trình xây dựng một hệ sinh thái, dù ở thế non trẻ, nhưng

Việt Nam, dù còn non trẻ, nhưng ở giai đoạn phù hợp, đồng thời lợi thế của người đi sau, ông Tony cho rằng có thể tin tưởng vào một sự nhảy vọt. Tuy nhiên, ông lưu ý về chất lượng của sản phẩm của các startup Việt, khi hầu hết vẫn dựa vào các ứng dụng gì động, giản đơn. “Các bạn cần có những startup với nồng độ công nghệ cao hơn”, ông nói và cho biết các doanh nghiệp đang đòi hỏi các chương trình đào tạo để hiểu rõ hơn mình cần phải làm gì.

N.Dương – Theo Trí thức trẻ