
Startup Đông Nam Á thu hút hàng triệu USD đầu tư trong tháng 9 (Phần 2)
Tháng 9 là tháng được đánh dấu bằng sự tăng trưởng năng động trong bối cảnh khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Nhiều công ty từ công nghệ sinh học, công nghệ tài chính, công nghệ y tế đến công nghệ nông nghiệp đã huy động thành công dòng vốn từ các nhà đầu tư. Điều này cho thấy những tín hiệu kinh doanh tích cực trong khu vực này trước những biến động kinh tế thế giới.
Xem lại phần 1: Startup Đông Nam Á thu hút hàng triệu USD đầu tư trong tháng 9 (Phần 1)

Parallax
Parallax là một startup công nghệ tài chính, cung cấp dịch vụ chuyển tiền sử dụng công nghệ Blockchain có trụ sở tại Philippines, được thành lập bởi Mika Reyes (CEO) và Alex Kuang (CTO).
Công ty tận dụng công nghệ Blockchain hỗ trợ các đối tượng làm việc từ xa và làm việc tự do từ hơn 150 quốc gia được thanh toán nhanh chóng và tiết kiệm hơn (công ty tuyên bố tiết kiệm 83% chi phí).
Parallax đã thu về 4,5 triệu USD từ Dragonfly Capital, Circle Ventures, General Catalyst, gumi Cryptos Capital và các quỹ đầu tư khác.

Manuva
Manuva là startup từ Indonesia hỗ trợ các nhà sản xuất vừa và nhỏ như sản xuất bao bì sẵn và hàng hóa bán thành phẩm.
Được thành lập vào năm 2018 bởi Anggara Pranaspati, Raffisal Damanhuri và Hasandi Patriawan, Manuva (trước đây là Tjetak) cung cấp cho người bán hàng nhiều loại bao bì khác nhau, từ bìa cứng, hộp đựng đồ ăn nhanh cho đến túi giấy và cốc nhựa.
Thông qua hơn 100 đối tác sản xuất, Manuva đang sản xuất hơn 300 SKU bao bì cho 6 thương hiệu khác nhau củ họ, phục vụ cho hơn 7.000 nhà bán lẻ và 100 khách hàng doanh nghiệp.
*SKU là một mã quét được để giúp các nhà cung cấp theo dõi tự động sự di chuyển của hàng tồn kho, SKU thường xuất hiện dưới dạng mã vạch hoặc mã QR và mỗi sản phẩm cùng với nơi bán của nó sẽ có SKU riêng biệt của nó.
Manuva cũng cung cấp các công cụ số hóa hiện đại cho phép người dùng trong hệ sinh thái của họ cải thiện quy trình hậu cần, mua sắm, tồn kho và bán hàng.
Manuva nhận được 8 triệu USD từ Tin Men Capital và các nhà đầu tư khác không được tiết lộ.

ERTH
Electronic Recycling Through Heroes (ERTH) là một công ty tái chế chất thải điện tử của Malaysia.
Bằng cách tặng các phiếu quà tặng hay ưu đãi tiền mặt, công ty khuyến khích người dùng xử lý có trách nghiệm các thiết bị điện tử. Công ty cho biết phương pháp này giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích kinh tế.
ERTH tuyển dụng lực lượng lao động linh hoạt gồm hơn 1.000 người, lực lượng này làm nhiệm vụ thu nhập các thiết bị điện tử lỗi thời, bị lỗi hoặc bị bỏ đi (chẳng hạn như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy in, tivi và nhiều thiết bị khác nhau) từ các hộ gia đình và doanh nghiệp.
ERTH đã huy động từ nguồn tài trợ từ Gobi Partners và L8 Ventures.

Saladin
Thành lập năm 2021, Saladin là một công ty chuyên về công nghệ bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm ô tô, sức khỏe, du lịch, nhà ở và bảo hiểm tích hợp, công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Saladin tuyên bố họ đã tích hợp các quy trình bảo hiểm truyền thống với công nghệ hiện đại và thiết kế thân thiện với người dùng. Điều này bao gồm việc sử dụng tích hợp API, nguyên tắc thiết kế mô-đun và khai thác trí thông minh dữ liệu lớn để đề xuất các giải pháp bảo hiểm phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Saladin đã hoàn thành vòng gọi vốn Series A do Monk’s Hill Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Peak XV Partners, Venturra Capital và Patamar Capital.

SLEEK EV
Có trụ sở tại Singapore, SLEEK EV chuyên cung cấp các giải pháp di chuyển bền vững và giá cả phải chăng.
Được thành lập vào năm 2019 bởi Kantinan Tunveenukoon và Zhang Quan (ZQ) Ong, SLEEK EV đặt mục tiêu biến xe điện trở thành tiêu chuẩn di chuyển trong đô thị.
SLEEK EV giải quyết vấn đề chi phí đi lại cao ở Đông Nam Á, chi phí di chuyển tại khu vực này có thể chiếm hơn 30% thu nhập.
Trọng tâm ban đầu của SLEEK EV là thị trường Thái Lan trị giá hơn 2,6 tỷ USD hàng năm, nơi xe hai bánh chạy điện hiện chỉ chiếm chưa đến 1% thị phần.
Kể từ khi ra mắt, SLEEK EV đã bán hơn 1.000 xe điện thông minh qua mạng lưới đại lý trên toàn quốc.
SLEEK EV đã tham gia vòng Pre-Series A do ORZON Ventures, một công ty VC được hỗ trợ bởi OR và 500 TukTuks dẫn đầu. Hiện thông tin chi tiết của vòng gọi vốn này chưa được tiết lộ.

DELOS
Thành lập vào năm 2021 bởi Guntur Mallarangeng, Aris Noerhadi, Alexander Farthing và Bobby Indra Gunawan Wibisono, DELOS là một công ty công nghệ nuôi trồng thủy sản ở Indonesia.
DELOS đặt mục tiêu khởi động “Blue Revolution”, tầm nhìn đưa Indonesia trở thành nhà sản xuất thủy sản nuôi trồng toàn cầu trong thập kỷ tới, đồng thời cách mạng hóa và hiện đại hóa ngành nuôi trồng thủy sản Indonesia trị giá 2,5 tỷ USD nhằm hội nhập vào chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.
*Blue Revolution (tạm dịch: Cuộc cách mạng xanh) đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá và tôm, trong những thập kỷ gần đây.
DELOS đã thông báo hoàn thành vòng tài trợ Series A do Monk’s Hill Ventures dẫn đầu, hiện chi tiết chưa được tiết lộ.

WhiteCoat
Ra mắt vào năm 2018, WhiteCoat là công ty công nghệ y tế B2B2C* hướng tới mục tiêu trở thành điểm đầu tiên và duy nhất đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dùng – từ gặp bác sĩ và lấy thuốc cho đến truy cập hồ sơ y tế của họ.
Nền tảng này cho phép người dùng chọn bác sĩ mà họ muốn tư vấn từ đội ngũ bác sĩ nội bộ (bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa) và mạng lưới đối tác gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
WhiteCoat đã hoàn thành vòng gọi vốn Series B thúc đẩy mở rộng khu vực.
*B2B2C (Business To Business To Customer) là một mô hình kinh doanh phản ánh sự hợp tác giữa hai chủ thể doanh nghiệp (B2B) để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng (B2C).

TANGGapp
TANGGapp là ứng dụng chuyển tiền di động P2P nhắm tới đối tượng chính là Overseas Filipino Workers (tạm dịch: Công dân lao động Philippines ở nước ngoài (OFW)), được thành lập vào năm 2020 bởi Rebecca Kerch, người Philippines gốc Hà Lan và tốt nghiệp Harvard Mỹ.
TANGGapp cho phép khách hàng ở Philippines kết nối với các ngân hàng và ví điện tử địa phương để giao dịch, đồng thời định vị trở thành “Venmo”* quốc tế xuyên biển cho 1,5 tỷ người lao động nhập cư và không có tài khoản ngân hàng trên toàn cầu, bắt đầu từ Philippines.
*Venmo: Ứng dụng thanh toán ngang hàng (peer-to-peer) nổi tiếng ở Mỹ, cho phép người dùng chia sẻ chi phí, gửi và nhận tiền qua điện thoại.
Người dùng có thể gửi tiền từ TANGGapp mà không mất phí, bất kể số tiền gửi là bao nhiêu. Sau đó, người nhận có thể liên kết tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử như GCash để nhận tiền trực tiếp vào tài khoản của họ sau vài phút.
Công ty tuyên bố quá trình chuyển tiền này có thể được thực hiện trong vài giây. Mức giá gửi thấp nhất là 5 USD và dễ dàng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ sang tài khoản ngân hàng Philipines hoặc ví điện tử của người dùng. Bên cạnh đó, TANGGapp cũng hỗ trợ lên lịch chuyển tự động.
TANGGapp kết thúc Seed Round (Vòng hạt giống) trị giá 2,5 triệu USD từ TEN13, Goodwater Capital, North Fifth Asia, Foxmont Capital và các nhà đầu tư thiên thần từ Manila Angel Investors’ Network (MAIN).

Grouu
Thành lập vào tháng 8/2020, Grouu là startup tập trung vào đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi từ sáu tháng tuổi trở lên tại Indonesia.
Quá trình phát triển sản phẩm và lên thực đơn có sự tham gia của phụ huynh với tư cách là người tiêu dùng và đội ngũ chuyên gia bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học thực phẩm, đầu bếp và bác sĩ nhi khoa để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
Theo công ty, các sản phẩm và thực đơn của công ty được sản xuất tại các cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh do Bộ Y tế và Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (BPOM) đặt ra và được chứng nhận Halal.
Grouu đã huy động được khoản đầu tư từ công ty đầu tư mạo hiểm Teja Ventures có trụ sở tại Singapore, hiện thông tin về khoản đầu tư này chưa được tiết lộ.