Skip links

Bí kíp cho Startup thi Shark Tank: Cố gắng tạo ‘Bidding War’ – cạnh tranh giữa các Sharks, công ty của bạn sẽ được giá hơn!

“Tôi đến đây với mong muốn tìm nhà đầu tư đồng hành với 10% cổ phần tương ứng với 2 tỷ đồng”. “Anh đề nghị đầu tư cho em 2 tỷ, đổi lại 49% cổ phần”. Chỉ với một offer, định giá công ty gọi vốn đã giảm 80% giá trị, từ 20 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.

Đây là đoạn trích lược màn gọi vốn của Founder Supership Lê Thanh Hoài và đề nghị của Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group trong Shark Tank Việt Nam. Với lời đề nghị của Shark Hưng, định giá Supership đã rơi từ 20 tỷ đồng (2 tỷ đồng cho 10% cổ phần) xuống còn hơn 4 tỷ đồng (2 tỷ đồng đổi lại 49% cổ phần), tức giảm 80% giá trị.

Trong phần lớn các màn gọi vốn trên Shark Tank thế giới nói chung và Shark Tank Việt Nam nói riêng, các Sharks đều hạ giá “con mồi”. Việc hạ giá này có thể đến từ kỹ năng thương thuyết yếu của Founder, có thể đến từ việc định giá công ty chưa chuẩn hoặc quá mộng mơ của các nhà sáng lập.

Vậy định giá công ty của mình thế nào cho chuẩn?

Học cách định giá Startup qua việc định giá một hàng phở

Bí kíp cho Startup thi Shark Tank: Cố gắng tạo “Bidding War” - cạnh tranh giữa các Sharks, công ty của bạn sẽ được giá hơn! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Kenh14.

Với kinh nghiệm gọi vốn thành công 3 vòng: Vòng đầu tiên 50.000 USD, vòng hai 200.000 USD và cuối cùng là 2,5 triệu USD, Founder kiêm CEO Clingme Trần Hải Quang chia sẻ: Trong tài chính, có vài phương pháp định giá như sau:

Book Value (Định giá theo giá trị sổ sách)

CEO Clingme lấy ví dụ định giá một hàng phở. Các bạn có thể định giá bằng những yếu tố sau:

– Quyền thuê địa điểm: Địa điểm tốt, thu hút nhiều khách thì quyền thuê địa điểm cũng có thể quy ra thành giá. Nhưng quyền thuê không thể đẩy giá lên quá cao bởi vì không thuê được nhà này có thể thuê nhà bên cạnh, hoặc thuê cách đó 2-3 căn nhà.

– Tài sản: Tất cả bàn ghế, bát đũa, đồ nấu…

– Quan hệ lao động: Có nhân viên gắn bó lâu năm, giàu kinh nghiệm cũng có thể định giá được.

– Thương hiệu

“Thương hiệu ở Việt Nam khó định giá. Nhưng lấy ví dụ cùng là phở, phở Bát Đàn lại có giá trị thương hiệu riêng”.

“Đấy là định giá Book Value, tức tất cả tài sản công ty sở hữu đưa lên bàn cân so với giá thị trường, so với cái thay thế ra bao nhiêu sẽ ra được cái định giá”, ông Quang phân tích.

Một yếu tố nữa để định giá là dòng tiền quán phở ấy sinh ra được. Hiểu nôm na là quán phở ấy 1 tháng lãi bao nhiêu, 1 năm, 10 năm lãi bao nhiêu.

DCF – phương pháp định giá thường dùng cho Startup

Cách định giá hay dùng cho các Startup – là các công ty đang tăng trưởng, là DCF (Discounted Cash Flow – chiết khấu dòng tiền), phương pháp nhìn nhận giá trị công ty nhiều hơn ở tương lai, thậm chí 60 – 70% giá trị công ty vẫn nằm ở tương lai.

Vì định giá giá trị trong tương lai, nên sẽ rất khó để nói một thương vụ là đắt hay rẻ. Ví dụ Umbala gọi được 260.000 USD đổi lấy 15% cổ phần. Nhưng nhờ danh tiếng của các Sharks đầu tư mà Umbala được rất nhiều người Việt Nam biết đến, số lượng người dùng tăng lên.

“Nếu giá trị công ty nhờ đó tăng lên nhiều lần so với hiện tại, vậy lúc đó thương vụ này là đắt hay rẻ?”, ông Quang đặt câu hỏi.

Tại sao khi gọi vốn Startup luôn bị cá mập “hạ giá”? Làm thế nào để nâng giá công ty?

Bí kíp cho Startup thi Shark Tank: Cố gắng tạo “Bidding War” - cạnh tranh giữa các Sharks, công ty của bạn sẽ được giá hơn! - Ảnh 2.

Theo ông Quang, chuyện Founder đưa ra một mức định giá rồi bị down xuống là chuyện bình thường trong đàm phán. Khi 2 bên đàm phán với nhau, 1 bên ở điểm A, 1 ở điểm B, khi đàm phán sẽ xích gần vào giữa.

“Chuyện giá xuống là bình thường. Đặc biệt so ra định giá các công ty trên Shark Tank tôi thấy tốt, mọi người đều happy”.

“Tôi gợi ý thêm cho các Startup tham gia Shark Tank: Các bạn muốn được định giá cao nên cố gắng tạo ra Bidding War, tức tạo được sự cạnh tranh giữa các Sharks. Tôi chưa thấy có Bidding War trên Shark Tank Việt Nam, ở Mỹ thì thấy nhiều. Có thể một phần vì các Sharks nhà mình thân thiện với nhau quá, gần gũi nhau quá và người ta ‘khôn’ quá”, Founder Clingme chia sẻ.

Bí kíp cho Startup thi Shark Tank: Cố gắng tạo “Bidding War” - cạnh tranh giữa các Sharks, công ty của bạn sẽ được giá hơn! - Ảnh 3.

Emwear là Startup duy nhất tính đến thời điểm này được offer mức đầu tư cao hơn mức định giá công ty ban đầu trên Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Nhưng theo nhà sáng lập Clingme, điều đó thực ra cũng không quan trọng. Bởi cái gốc của Startup, nhất là ở vòng thương thuyết trên Shark Tank, không phải là để bán doanh nghiệp, mà là câu chuyện đi tìm đối tác, tìm người hợp tác, tìm cổ đông quan trọng với doanh nghiệp mình.

Cho nên, những vòng gọi vốn đầu mà bạn đưa ra một mức định giá quá cao, tự khắc bạn làm bạn khó hơn trong các vòng sau khi huy động vốn.

“Umbala là một ví dụ. Bạn ấy huy động được một số tiền khoảng 80.000 USD với định giá công ty khoảng 2 triệu USD – con số đó là nhỏ bên Mỹ nhưng ở Việt Nam là lớn. Tự nhiên, mức này lại tạo thành rào cản trong việc chấp nhận các offer khác. Cho nên, câu chuyện huy động vốn không phải lúc nào giá cao cũng là tốt”.

“Tất nhiên định giá quá thấp là fail rồi, và không ai muốn bị định giá thấp. Định giá là nghệ thuật, mặc dù mang yếu tố khoa học tài chính. Làm thế nào để bạn biết công ty mình hôm nay giá bao nhiêu, khi ngay cả các công ty minh bạch trên sàn chứng khoán New York giá cũng thay đổi theo từng phút, từng giờ?”, ông Quang chia sẻ.

CEO Clingme kết luận: Chuyện định giá doanh nghiệp nên tiếp cận theo hướng đó là một con số để làm mọi người hài lòng – Founder hài lòng, nhà đầu tư mới hài lòng, cổ đông hài lòng. Đấy sẽ là một cuộc định giá thành công.

NGUYÊN BẢO , THEO TRÍ THỨC TRẺ


ĐĂNG KÝ THAM GIA STARTUP WHEEL 2018 TẠI ĐÂY