Skip links

Phát triển startup Việt – Bài 1: Thiếu đổi mới sáng tạo

Hơn 2 năm qua, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) dù đã được quan tâm bằng nhiều chính sách khác nhau, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng; chưa có nhiều công ty khởi nghiệp trị giá “trăm tỷ đồng”.

Để startup Việt Nam nâng cao giá trị và đạt hiệu quả, sự kết nối trong và ngoài nước là bước đi cần thiết trong thời gian tới.

Bài 1: Thiếu đổi mới sáng tạo

Dù nhận được những đánh giá khá cao, thậm chí được so với Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) về bối cảnh, cũng như sự sôi động của phong trào khởi nghiệp, nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng, phong trào khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh còn thiếu điều quan trọng nhất, đó là chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.

Nhiều dự án khởi nghiệp đã có sự đổi mới sáng tạo, nhưng vẫn thiếu sự đột phá, nhất là về ý tưởng và công nghệ, dẫn đến ít nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư “thiên thần”.

* Cần sáng tạo, đột phá

Là đầu tàu kinh tế cả nước, Tp. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế quan trọng về khởi nghiệp sáng tạo như nguồn lực khoa học công nghệ chiếm 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, năng suất lao động đạt 2,5 lần so với cả nước.

Với nền tảng đó, Tp. Hồ Chí Minh đã phát huy thế mạnh của mình khi hiện có trên 760 startup (khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% startup cả nước. Hơn 46% startup đã và đang tham gia các chương trình hỗ trợ của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố; 63% startup đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước giai đoạn 2011 đến nay. Trong số 760 startup của Tp. Hồ Chí Minh, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; trong đó, khoảng 70% đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư.

Theo các chuyên gia về khởi nghiệp, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp có tác động tích cực đến xã hội lại khá tụt hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.

Là người sáng lập và đồng sáng lập 8 doanh nghiệp (tính đến năm 2016); trong đó, có 3 doanh nghiệp tập trung vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thanh Mỹ (Tổng Giám đốc Rynan Holdings JSC) vẫn khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ chính thực tế cuộc sống, khi ông nhìn thấy Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nhưng lại liên tục xuất hiện thông tin về thực phẩm bẩn. Do vậy, ông quyết định khởi nghiệp về nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị và chất lượng nông sản Việt.

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, khởi nghiệp là phải khác, sản phẩm phải mới và tốt hơn, giải quyết nhu cầu của chính cộng đồng. “Chúng ta có thể xây dựng công ty về lúa gạo lớn nhất thế giới nhưng không làm chủ một thửa ruộng nào nhờ công nghệ 4.0. Ở thời đại công nghệ 4.0, vẫn với ý tưởng xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phụ thuộc vào nông dân ra ruộng để canh tác, thì chúng ta sẽ không thay đổi được gì cả”, ông Nguyễn Thanh Mỹ nhấn mạnh.

Để gắn khởi nghiệp sáng tạo với giải quyết nhu cầu phát triển bền vững, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Citi Foundation đang cùng nhau thực hiện sáng kiến “Youth Co: Lab Việt Nam 2018”. Đây là sáng kiến nhằm tìm kiếm thế hệ khởi nghiệp xã hội mới tại Việt Nam; trong đó, bốn dự án khởi nghiệp đoạt giải nhận được vốn đầu tư cổ phần phi lợi nhuận trị giá hơn 85.000 USD và chương trình ươm mầm trong một năm.

Theo bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, không chỉ ở Việt Nam, mà ở Đông Nam Á và chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thế hệ đổi mới sáng tạo.

UNDP sẽ tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững và những startup được chọn sẽ được tham gia chương trình ươm mầm tăng tốc khởi nghiệp, cũng như có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh của mình với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

* Đặt giá trị trên thu nhập

Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới cho thị trường. Điều này lý giải thực tế hiện trạng doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo lập được chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Chuyên gia Nguyễn Kim Hùng, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt chia sẻ, thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp quá chú trọng vào doanh thu và lợi nhuận ban đầu mà quên đầu tư cho giá trị, thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp muốn doanh thu 10 tỉ đồng và tối đa lợi nhuận hàng năm đạt 2 tỉ đồng, trong khi nếu đầu tư lâu dài, kế hoạch rõ ràng có thể thu hút đầu tư và đạt giá trị hàng trăm tỉ đồng trong thời gian ngắn.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng, nhiều doanh nghiệp lớn tại Silicon Valley đi lên từ các startup và đã trở thành những tập đoàn như hiện nay; tiếp tục dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Silicon nói riêng và thế giới nói chung. Chúng ta không kỳ vọng sẽ có startup thành công, có giá trị hàng tỉ USD như tại Silicon, nhưng phải có giá trị hàng trăm triệu USD mới là thành công. Nếu muốn có được điều đó phải kêu gọi nhiều nhà đầu tư thì giá trị mới tăng được. Hiện startup của Việt Nam chỉ ở tầm vài chục triệu USD, nhưng cũng không nhiều.

Là thành viên sáng lập Misfit, chuyên sản xuất các vòng đeo đo sức khỏe và sản phẩm nhà thông minh, bà Lê Diệp Kiều Trang (hiện là Giám đốc Facebook Việt Nam) được đánh giá rất thành công với vai trò một startup. Misfit của bà cùng cộng sự được Fossil mua lại năm 2015 với giá 260 triệu USD. Đây được xem là mô hình khởi nghiệp thành công và mang lại giá trị rất lớn cho startup.

Từ thực tiễn khởi nghiệp, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ, yếu tố quan trọng trong quá trình khởi nghiệp chính là con người. Để tồn tại và phát triển trong thế giới cạnh tranh, bên cạnh việc có kế hoạch cụ thể rõ ràng cho sản phẩm, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đam mê với cùng chung mục tiêu phát triển. Đồng thời, không được tự thoả mãn trước những thành công đã có mà phải luôn tiếp tục tìm tòi, học hỏi và có những đổi mới trong phát triển.

Thực tế hiện nay, các startup Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng còn thiếu sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công trong nước và quốc tế. Tp. Hồ Chí Minh có không ít những dự án khởi nghiệp tiềm năng, nhưng khá nhiều dự án này phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Sự trao đổi liên kết hợp tác giữa startup trong và ngoài nước, đặc biệt với các startup của người Việt Nam ở nước ngoài, còn chưa cao.

Theo Phạm Lực – TTXVN