Skip links

Để khởi nghiệp thành công cần biết quản trị kinh doanh

Các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam đang cần hỗ trợ rất nhiều điều kiện về thủ tục hành chính, không gian làm việc… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân họ phải có năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh thì mới có thể thành công.

Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo về quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh cho các đối tượng khởi nghiệp

Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo về quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh cho các đối tượng khởi nghiệp

Thêm một năm nữa, diễn đàn khởi nghiệp quốc gia lại vừa được tổ chức tại Hà Nội với biết bao kỳ vọng của Chính phủ vào thế hệ trẻ của đất nước. Do còn non trẻ và cần tập trung vào công nghệ, các nhóm khởi nghiệp rất cần được hỗ trợ về nhiều yếu tố như thủ tục hành chính, không gian làm việc… Song có một yếu tố rất quan trọng nhưng lại ít được đề cập. Đó là các nhóm khởi nghiệp phải biết và thậm chí phải giỏi về quản trị doanh nghiệp. Và thực tế với không ít mô hình đã khởi nghiệp thành công thì người chủ doanh nghiệp lại không hề có chuyên môn về công nghệ mà chỉ là người biết kinh doanh và sử dụng nhân lực công nghệ.

Với các tập đoàn công nghệ lớn, ông Trịnh Thanh Lâm – nguyên giám đốc kỹ thuật của Intel Việt Nam từng chia sẻ: thực ra Intel cũng không tài hơn các đối thủ cạnh tranh của mình về mặt công nghệ. Song cái mà Intel chú trọng chính là bán hàng. Và có bán được hàng thì mới có tiền để đầu tư đổi mới công nghệ. Qua thực tế này, có thể thấy không chỉ Intel mà với rất nhiều tập đoàn công nghệ là họ đã tuyển dụng các chuyên gia kỹ thuật có năng lực kinh doanh vào làm việc ở vị trí bán hàng vì có như vậy thì mới có thể kinh doanh thành công. Thậm chí, có không ít trường hợp thì đích thân ông chủ phải bỏ thời gian ra để thuyết phục những ứng viên trúng tuyển vốn rất giỏi công nghệ khi được phân công nhiệm vụ bán hàng.

Trở lại với khởi nghiệp ở Việt Nam, cái mà các bạn trẻ đang thiếu chính là năng lực về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh. Và để khởi nghiệp thành công thì thậm chí việc trang bị những kiến thức này là chưa đủ mà còn phải có tố chất của người làm lãnh đạo doanh nghiệp. Khởi nghiệp càng không thể mang tính chất phong trào khi biết trước rằng tỷ lệ thành công chỉ cỡ 10%. Nên chăng, bên cạnh các hỗ trợ khác, Nhà nước nên mở ra các chương trình đào tạo về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh cho các đối tượng khởi nghiệp.