Skip links

6 đừng, 2 phải, 4 nên để khởi nghiệp thành công

Việt Nam có chỉ số IQ 96 (xếp thứ 2 Đông Nam Á) (Người dân các quốc gia Đông Nam Á đều có IQ cao hơn mức bình quân toàn thế giới là 84,3), vậy tại sao kinh tế Việt Nam chậm phát triển và tại sao Việt Nam không trở thành một quốc gia khởi nghiệp?

6dung2phai

Cần phải xem việc khuyến khích khởi nghiệp là vấn đề quan trọng quyết định quốc gia giàu mạnh trong tương lai.

Reid Hoffman trong cuốn Startup of You đã lập luận rằng mỗi con người đều có “startup” tại chính bản thân mình. Quan điểm này đã đơn giản hóa ý niệm kinh doanh, đưa nó về đơn vị cơ bản nhất – bản thân mỗi chúng ta. Nếu xem xét mỗi cá nhân như một hàng hóa kinh tế, thì chúng ta đang không ngừng tìm cách duy trì và nâng cao giá trị của “hàng hóa” đó (chính bản thân chúng ta) thông qua các khoản đầu tư có thời hạn và mang tính chiến lược – đi học để tích lũy kiến thức, đi thực tập nhằm nâng vao kỹ năng và kinh nghiệm thực tế…

Tuổi thành công của con người được chia thành các giai đoạn khác nhau: 18-22 tuổi : Học đại học; 23-30: Thực hành, học tiếp,  làm việc, trải nghiệm; 30-40: Xây dựng sự nghiệp; 40-50 : Thành công; 50-60 : Chuyển giao; Trên 60 : HDQT,  tư vấn và đi làm từ thiện(Có thể +/- 5 năm).

Tuy nhiên cá biệt có những người thành công rất sớm, như Mark Zuckerberg. Ở tuổi 28, chàng trai này đã có giá trị tài sản ròng 9,4 tỉ USD.  Nhưng có những người khởi nghiệp rất muộn vẫn thành công sớm như Zong Qinghou.  42 tuổi ông này vẫn còn nghèo  “rớt mồng tơi” và xoay xở kiếm sống bằng cách bán nước ngọt, kem que ở các cổng trường. Thời gian đó, ông kiếm được khoảng 8 USD một tháng, nhưng  20 năm sau Zong Qinghou trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD.

Vậy đâu là bí quyết thành công? “Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm”(Câu nói này được đưa ra trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 10/2011 tại trường dạy khởi nghiệp Y Combinator ở Palo Alto, California.) đó có lẽ là câu trả lời chính xác nhất.

Vậy thanh niên  Việt Nam khởi nghiệp thế nào để thành công? Muốn thành công thì hãy học từ những người đã thành công thực sự. Hãy làm đúng ngay từ đầu để rút ngắn chặng đường đi đến thành công.  Có một công thức khá nổi tiếng là học + học= không, làm + làm = âm, học + làm = thành công

Từ thực tế khởi nghiệp của mình tôi cho rằng để khởi nghiệp thành công học là quan trọng nhất. Khi khởi nghiệp nên “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Đừng bao giờ đánh mất uy tín và  luôn hợp tác với người mạnh nhất. Đồng thời phải chăm chỉ và đạo đức.

Và trong kinh doanh phải chú ý tới 6 cái đừng, 2 cái phải, 4 cái nên.

6 cái đừng là: Đừng đánh mất những gì mình đang có (sức khỏe, uy tín, tiền bạc,…); Đừng lo sẽ có những cơ hội tốt đến với mình;  Đừng ăn 1 mình (Win – Win); Đừng liều đầu tư khi có 3 chưa: chưa nghiên cứu kỹ; chưa có những thành công tương tự; chưa có tư vấn giỏi phản biện; Đừng vi phạm pháp luật, gian dối; Đừng coi thường đạo đức, tri thức và sự giao lưu, đi nước ngoài.

2 cái phải: Phải đi từ thấp đến cao, trước khi làm thầy thì phải làm thợ; Phải tính đến trường hợp rủi ro nhất, nếu không còn mình nữa thì điều gì sẽ xảy ra.

4 cái nên: Nên tập nghĩ lớn và logic; Nên bỏ trứng vào 1 giỏ và nhớ quy luật Pareto 80/20; Nên chon người tư vấn và xây dựng mục tiêu cuộc đời và cứ 5 năm hiệu chỉnh lại; Nên hoàn thiện kỹ năng sống và kỹ năng chịu đựng.

Nếu chúng ta tự thỏa mãn với quá khứ, không có ý chí, phương pháp để vươn lên đuổi kịp các nước phát triển là chúng ta chấp nhận bị tụt hậu với thời cuộc, tự đẩy mình ra khỏi cuộc chơi của của giành dật cơ hội, của sự phát triển và thịnh vượng. Chúng ta rất tôn trọng những thành quả trong quá khứ và sẽ không bao giờ phủ nhận nó nhưng hãy coi nó là bước đệm để bước vào con đường hoàn toàn khác hoặc chúng ta giàu mạnh hoặc chúng ta túc tắc như 1 dân tộc nhỏ và tiếp tục với phận làm thuê và lệ thuộc vào các dân tộc lớn và chắc chắn sẽ không ai coi trọng chúng ta cả.

Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái