Skip links

TCBC sau Hội thảo: “Gây dựng thương hiệu: Mạnh được yếu thua?”

Xuất phát từ sự thông hiểu của hầu hết Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn đang loay hoay tìmh ra con đường để xây dựng thương hiệu cho riêng mình, sáng ngày 15/5 tại hội trường 602 Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh (97 Võ Văn Tần, P6, Q3), đã diễn ra Hội thảo: “Gây dựng thương hiệu: Mạnh được yếu thua?” với sự tham gia của các diễn giả: Anh Lê Trung Nam – TGĐ Cty CP Dược Phẩm Hoa Thiên Phú; Chị Trương Lý Hoàng Phi; Anh Trần Hoàng Bảo – GĐ C.ty CP Tư vấn và Phát triển Nguồn nhân lực (BCC); Anh Đinh Văn Lộc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Onnet và Chị Đặng Hoài An – Giám đốc Marketing Microsoft MDS Việt Nam và hơn 600 Thanh niên – Sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Mạnh được yếu thua – liệu có đúng?

Khi được hỏi rất thẳng thắn về chủ đề của chương trình “Anh có tin rằng việc xây dựng thương hiệu tuân theo nguyên tắc Mạnh được yếu thua hay không?”. Anh Lê Trung Nam – TGĐ Cty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú cho rằng: Mạnh được và yếu thua thì cũng chưa chắc chắn, nhưng với để bắt kịp xu hướng thị trường hiện nay, thì nguyên tắc hàng đầu là “Nhanh được chậm thua”. Điều này đã được tất cả mọi người trong hội trường đồng ý, tán thành.

10631086_924984307553114_531614587764084887_o

Tìm cơ hội trong khó khăn

“Chị nghĩ sao khi nhiều bạn trẻ mới khởi nghiệp luôn ưu tư về chuyện thiếu vốn, không có thương hiệu?”, PV Thanh Niên đặt câu hỏi. Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, khẳng định: “Đây là hai vấn đề không hẳn đã trùng nhau và cũng không luôn là hệ quả của nhau. Cần tách chúng ra, nếu không sẽ tự rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu vốn, chưa xây dựng được thương hiệu là câu chuyện rất thường gặp của giới khởi nghiệp nói chung. Nhưng bạn phải tìm cơ hội sống sót trong giai đoạn bạn thiếu thốn”.

Tìm cơ hội bằng cách nào? Chị Hoàng Phi gợi ý: “Đối với thương hiệu khởi nghiệp, bạn cần thông qua nhiều kênh để người ta biết đến bạn. Tham gia những cuộc thi khởi nghiệp, sàn giao dịch ý tưởng, các buổi chia sẻ… cũng là cách để người ta biết đến mình”.

Theo chị Hoàng Phi, những người khởi nghiệp không nên nói chuyện thương hiệu gì đó quá xa xôi hoặc muốn cả thị trường biết đến mình. Thay vào đó, cần “biết mặt đặt tên” đối tượng khách hàng mình cần hướng đến. “Trên thực tế, có những thương hiệu thành công ngay cả khi không có nguồn vốn dồi dào, thậm chí không có tiền đầu tư cho thương hiệu. Đừng để tiền bạc giới hạn khả năng sáng tạo của mình và con đường mình đang đi”, chị Hoàng Phi nhắn nhủ.

Cũng trong buổi tọa đàm, một bạn trẻ tên Tuấn nêu băn khoăn: “Tôi đang có kế hoạch cung cấp gà rán cho công nhân ở khu công nghiệp, nhưng chưa tìm được giải pháp”. Chị Đặng Hoài An, Giám đốc marketing Microsoft MDS VN, tư vấn: “Bạn phải trả lời các câu hỏi: Công nhân có thích thức ăn nhanh không? Nếu có, món họ ưa chuộng nhất có phải là gà rán? Rồi bạn phải so sánh với những thương hiệu gà rán trên thị trường, xem người ta đã đáp ứng khách hàng đó hay chưa?… Từ đó, bạn có cơ sở tìm bước đột phá cho thương hiệu. Làm sao để khách hàng tin sản phẩm của bạn phù hợp với họ”.

Chị Đặng Hoài An – Giám đốc Marketing Microsoft MDS Việt Nam cũng khẳn định rằng: “Mạnh ở đây không phải là tiền mà là cách tiếp cận và xây dựng thương hiệu. Mình phải đi sâu tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng và tìm ra giải pháp xây dựng thương hiệu hiệu độc đáo, khác biệt. Điều này quyết định 80% khả năng bạn có thành công hay không”.

Bài học của bột giặt Aba
Chia sẻ với các bạn trẻ tham gia chương trình, chị Đặng Hoài An ( Giám đốc Marketing Microsoft MDS Việt Nam) đã kể một câu chuyện về việc tranh giành thị trường ngoạn mục của bột giặt Aba. Trong khoảng 5-6 năm trước bột giặt OMO chiếm đến 83% thị trường Việt Nam và coi như thống lĩnh về mặt hàng này ở nước ta. Nhưng vài năm trở lại đây xuất hiện một thương hiệu bột giặt mang tên Aba của Việt Nam giành lại hơn 10% thị trường bột giặt từ tay tập toàn khổng lồ này.

 
Vậy Aba đã xây dựng thương hiệu như thế nào? 
Đầu tiên họ chỉ tập trung vào hai tỉnh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, chiến dịch bán hàng đầy ưu đãi, tạo ra sự nhận biết về chất lượng bột giặt của họ với giá cả cạnh tranh hơn OMO, đánh vào tâm lý người Việt dùng hàng Việt. Sau hơn một năm Aba nhân rộng ra năm tỉnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long và khiến cho tập đoàn Unilever phải họp khẩn cấp và cử các nhân sự cấp cao từ Châu Âu sang chỉnh đốn vấn đề này. Trao đổi với một giảng viên marketing của Đại học Kinh tế Tài chính tham gia chương trình, chị An đã thừa nhận chiến thuật Aba đã sử dụng thuộc một phần của marketing du kích. Một doanh nghiệp lớn như bột giặt OMO khó có thể thi hành chiến lược này vì họ quá to lớn và cồng kềnh để linh hoạt trong địa bản và phân khúc nhỏ. Bài học của Aba có thể coi là một điển hình về khởi nghiệp và vận dụng linh hoạt các công cụ quảng  bá, phân phối.