Skip links

Ra quyết định khi cảm xúc đang lên cao nhất, có 1 đồng nhưng vay ngân hàng tận 10 đồng

Nối tiếp phần 1, dưới đây là 2 câu chuyện thất bại của Shark Trần Anh Vương trong talkshow “Nỗi đau triệu USD” để các startup cùng tham khảo, từ đó phần nào tránh được sai lầm trong quá trình khởi sự kinh doanh.

Như đã nói ở phần trước, năm 2000, Shark Vương chính thức thành lập công ty đầu tiên sau quá trình góp vốn cùng một số người bạn.

“Khi thành lập công ty mới, tôi được làm giám đốc nên nhiều cảm xúc lắm, cứ tưởng tượng như cảm giác yêu lần đầu. Nhưng vì nhiều cảm xúc nên dễ mắc sai lầm, Shark Trần Anh Vương chia sẻ. “Thời kỳ ấy nhập khẩu thép chỉ có vài người làm thôi, phải xin hạn ngạch từ Bộ Thương Mại nên kinh khủng lắm chứ không như bây giờ”.

Vì tự làm giám đốc, tự hoạt động bằng tiền vốn của mình nên dĩ nhiên, Shark Vương được quyền ra quyết định. Mặc dù vẫn chỉ là nhập khẩu thép nhưng ngay lô đầu tiên, anh đã nhập lượng hàng lớn gấp nhiều lần số vốn công ty.

“Tôi am hiểu xuất nhập khẩu nên về giá cả rất chắc, không có chuyện bị nhập giá cao. Trước đấy tôi đã làm nhiều rồi, mọi thứ đều ổn. Chỉ có điều sắt thép là mặt hàng có thể bị lỗi kỹ thuật, và ngay lô đầu tiên, chúng tôi bị lỗi ấy”.

Kết quả là hàng không bán được, công ty lỗ. Giám đốc Vương và một người làm cùng khi đó mất gần 2 năm để “cày kéo”, đưa công ty trở lại thăng bằng như lúc mới bắt đầu.

“Tôi thất bại vì đó là lần đầu được làm giám đốc, cảm giác sung sướng khiến quyết định của tôi trở nên bồng bột. Rất nhiều bạn khởi nghiệp, sau khi đăng ký kinh doanh, cũng sẽ như thế. Vì vậy tôi khuyên các bạn, ở vị trí người điều hành, những lúc cảm xúc lên cao, nên bình tĩnh lắng nghe từ nhiều phía trước khi ra quyết định”.

Nỗi đau số 4: Có 1 đồng nhưng vay ngân hàng tận 10 đồng

Theo Shark Vương, câu chuyện này “đau thương” hơn câu chuyện bên trên rất nhiều lần. Đó là giai đoạn năm 2007, 2008 khủng hoảng kinh tế xảy ra kéo theo hàng loạt doanh nghiệp chết chìm.

“Tuy nhiên lúc mọi người thất bại nhất lại là lúc tôi thành công nhất. Có lô hàng sắt thép tôi chỉ nhập 400 USD nhưng bán ra 900 USD, mà sắt thép chả bao giờ nhập ít, toàn nhập vài nghìn tấn nên doanh số lên tới nghìn tỷ. Thời ấy tôi còn cầm tiền mặt đi mua cái xe sang, oách lắm”.

Thành công trong lúc nhiều người thất bại thôi thúc Shark Vương nghĩ đến chuyện làm to, “không thể tầm thường được nữa”. Trong vòng 2 năm, anh tiến hành cổ phần hóa rồi đưa công ty lên sàn, huy động vốn mở nhà máy mới, liên doanh với một ông lớn trong ngành sắt thép Nhật Bản,… Để làm được những việc ấy, ngoài số vốn có sẵn, Shark Vương phải đi vay ngân hàng và câu chuyện bắt đầu từ đây.

Năm 2009 – 2010, nhà nước hỗ trợ lãi vay doanh nghiệp để kích cầu giải thoát khủng hoảng. Lãi suất ngân hàng khi đó là 10,5% nhưng nhà nước hỗ trợ 4%, doanh nghiệp chỉ trả 6,5%, mức lãi suất “nằm mơ cũng không thấy”. Dĩ nhiên với một doanh nghiệp đang hoạt động tốt như của Shark Vương, vay ngân hàng không phải chuyện khó.

“Tôi vay nhiều tiền làm nhà máy mới, số tiền gấp mấy chục lần tiền tôi có, để đầu tư máy móc xịn. Vấn đề là nhà nước chỉ hỗ trợ năm đầu tiên, sau ấy thả nổi lãi suất. Tôi nhớ thời điểm 2011, 2012, lãi suất lên tới 27%/năm, làm sản xuất thì sao mà trả được”.

“Một vấn đề nữa là tính toán dòng tiền. Tôi tính kỹ lắm, thời điểm lên sàn huy động thế nào, phát hành thêm và trả tiền ngân hàng thế nào,… Tính khớp nhưng lúc xảy ra không khớp”.

Kết quả món nợ ngân hàng trở thành nợ xấu. Sau 2 năm lên sàn thì công ty chính thức “xuống đất”.

“Đây là một trong những ỷ niệm đau đớn, kinh khủng mà giờ tôi mới nói ra được. Tôi khuyên các bạn khởi nghiệp: Mấu chốt của công ty nhỏ là kinh doanh có lãi chưa quan trọng bằng dòng tiền. Một công ty hạch toán có lãi nhưng không có dòng tiền thì cũng chết. Các bạn khởi nghiệp phải nhớ điều này, nhớ tái nhớ hồi, thậm chí đến chết vẫn phải nhớ”, Shark Vương nhấn mạnh.

Hồng Lam – Theo Trí Thức Trẻ