Skip links

Khởi nghiệp từ… máng heo

Xuất thân từ con nhà nông “có nòi” ở huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam), Phạm Minh Công (SN 1994, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) – tác giả của chiếc máng heo tự động dùng trong chăn nuôi – đã giành ngôi vị thủ khoa vòng chung khảo cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” năm 2016 khu vực miền Trung do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Thương cha mẹ nên… giúp heo tự ăn

Hơn 20 năm nay, mọi thứ từ miếng ăn, cái mặc cho đến việc học hành của ba anh em Minh Công đều phụ thuộc vào đàn heo do cha mẹ chăm sóc. Nhớ lại thời điểm năm 2012, khi chuẩn bị vào đại học, Công không đành lòng nhìn cha mẹ quần quật cả ngày bên đàn heo lên đến gần 100 con, nên Công bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ chế tạo loại máng ăn tự động dành cho heo để ba mẹ bớt vất vả.

Ý tưởng này theo Công lên đến năm thứ 3 khi theo học bộ môn Tự động hóa thuộc khoa Điện (Trường Đại học Bách khoa). Với vốn kiến thức tích cóp và kinh nghiệm “táy máy” bấy lâu, chàng sinh viên cho ra đời mô hình máng ăn cho heo đầu tiên, chắp vá từ những vật dụng có sẵn trong nhà như thùng chứa bột làm từ… chụp đèn, thau nhôm và một tấm tôn thừa, bộ khung tự hàn bằng sắt, còn máng ăn là thứ luôn có sẵn trong chuồng heo của gia đình. Trên chiếc máng, Công lắp đặt một hộp điều khiển cho phép người dùng thiết lập thời gian và khối lượng cám mỗi lần heo ăn.

14138850_1088159911233893_6550734293401546862_o
Dự án của Phạm Minh Công tại Startup Day 2016 do BSSC tổ chức

“Chắp vá” suốt hai tháng ròng rã, chiếc máng heo mang theo tâm huyết của cậu sinh viên nhà nông đã lọt vào top 60 trong tổng số 624 dự án tham gia cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp toàn quốc năm 2016 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) tổ chức. Đây được xem là một bước ngoặt của… chiếc máng heo, bởi từ cuộc thi này, Công bắt đầu bước vào môi trường khởi nghiệp cùng các cố vấn hỗ trợ kinh doanh – điều mà cậu sinh viên “rặt” kỹ thuật này luôn mong mỏi.

Đến nay, sau chưa đầy 6 tháng, Công đã cùng hai người bạn cùng lớp đã cải tiến chiếc máng với bản vẽ và các số đo cụ thể. Sản phẩm của Công đã từng đoạt giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp 2016 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, sau đó tiếp tục lọt vào top 30 dự án khoa học công nghệ xuất sắc nhất thuộc chương trình TechFest 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Gian nan khởi nghiệp nông nghiệp

Hành trình đi từ mô hình mẫu và những giải thưởng đến các máng ăn sản xuất hàng loạt và tiêu thụ được trên thị trường không hề đơn giản.

Công chia sẻ, thời gian đầu, đi ròng rã khắp địa bàn xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) cùng nhiều khu vực tại Quảng Nam mà vẫn không tìm được nhà nông nào sẵn sàng cho Công lắp máng thử nghiệm. Đối với người nông dân, bầy heo là cả một cơ nghiệp, heo ăn quá ít hay quá nhiều cũng đều dẫn đến những hậu quả khó lường. “Mà em lại là sinh viên, chẳng có gì bảo đảm là em sẽ chịu trách nhiệm nếu bầy heo của họ không phát triển tốt”, Công bảo.

Hơn nữa, lúc đó trên thị trường đã có sẵn một loại máng cho heo ăn “tự động”. Tuy nhiên, khác với sản phẩm của Công, loại máng này dù không phụ thuộc vào con người nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào… con heo. “Heo đến giật dây bao nhiêu thì cám rơi ra bấy nhiêu. Tính ra phương pháp này khiến cứ mỗi lứa heo lại có 300 – 400 tạ bột bị lãng phí”, Công cho biết.

Trong khi đó, theo Công, chiếc máng do Công sáng chế sẽ loại bỏ được phần lãng phí này, bởi các thông số về thời gian cho ăn, khối lượng cám,… sẽ do chính người nông dân thiết lập dựa trên kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi. Tuy nhiên, việc thuyết phục người nông dân thay đổi cách làm không hề dễ dàng đối với Công.

Công cho biết thêm, khi nghĩ đến khởi nghiệp, nhiều người sẽ nghĩ đến các nền tảng công nghệ thông tin giúp dự án được triển khai nhanh, mang lại kết quả nhanh. Tuy vậy, để thấy được hiệu quả từ chiếc máng ăn cho heo, phải đợi ít nhất 3 tháng – bằng khoảng thời gian một lứa heo xuất chuồng.

Theo Công, đây là một trong những lý do khiến các bạn trẻ không mấy mặn mà đối với khởi nghiệp nông nghiệp. “Đó là chưa kể, đã làm nông thì không thể nào tránh khỏi cảnh lấm lem bùn đất, bất chấp nắng mưa phải chạy ngoài đồng tìm cách trò chuyện, tìm hiểu các cô, chú nông dân”.

Tuy nhiên, những khó khăn này không làm Công chùn bước.Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp vào đầu tháng 2, các hộ nông dân đã sẵn sàng cho Công lắp đặt máng ăn thử nghiệm. Công xác định sẽ tập trung vào những hộ chăn nuôi nhỏ.

“Các trang trại lớn thường nhập nguyên dây chuyền phân phối thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài về, tuy nhiên, trong tương lai các sản phẩm khởi nghiệp Việt Nam vẫn có thể xâm nhập vào thị trường này. Hàng Việt Nam chắc chắn sẽ hợp với cơ địa của vật nuôi Việt Nam hơn, đồng thời dễ sửa chữa, bảo dưỡng hơn”, Công tự tin nói.