Skip links

Hachi và niềm tin vào nông nghiệp đô thị

Nỗi lo về thực phẩm bẩn đang ngày càng gia tăng trong dân chúng và vấn đề không có đất canh tác trong môi trường đô thị chật hẹp là những vấn đề mà start-up non trẻ Hachi lựa chọn để giải quyết.

Gặp Đặng Xuân Trường vào một buổi chiều sau khi sáng lập viên trẻ này vừa trở về từ một trang trại rau sạch. Nơi làm việc của Hachi được trang trí bằng chính những sản phẩm đậm chất nông nghiệp thông minh của start-up này, không gian xanh mướt những giàn rau ăn lá tươi tốt, các chậu rau thơm đủ các loại và giàn trồng cây ăn trái đang được thử nghiệm. Điều đặc biệt là trang trại của Hachi không cần đất, cũng không cần người chăm sóc, bởi tất cả hệ thống theo dõi đã được tích hợp trên bộ điều khiển của smartphone. Đó cũng là những gì mà Hachi mong muốn mang đến cho hàng triệu không gian biệt thự, căn hộ ở đô thị. Những giàn trồng rau thông minh này không chỉ đáp ứng nhu cầu rau sạch cho cả gia đình mà còn tạo nên một không gian sống xanh trong đô thị.

Giải bài toán của cư dân đô thị

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn trở thành nỗi ám ảnh, cư dân thành phố hướng tới nhu cầu sử dụng rau sạch, trong khi không gian ở đô thị diện tích trồng rau bị hạn chế, sản phẩm của Hachi nhanh chóng nhận được sự đón nhận tích cực của thị trường chỉ sau một thời gian ngắn triển khai. Với định hướng chính phát triển nông nghiệp thông minh, hệ thống điều khiển IoT cho sản phẩm thủy canh thông minh nhà phố là sản phẩm đầu tay của Hachi. Hai vấn đề chính mà start-up này lựa chọn để giải quyết là rau sạch cho cư dân đô thị và cải tạo môi trường sống.

Về nguyên lý hoạt động, hệ thống này sẽ tự động giám sát các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone, tự động tải dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi về để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng WIFI. Theo Đặng Xuân Trường, CEO của Hachi, việc ứng dụng giải pháp này có thể giúp tốc độ sinh trưởng của cây tăng 30 – 50%, đảm bảo cho sản phẩm sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.

Theo tính toán của Hachi, với khoảng 3m2 không gian, đã có thể trang bị một giàn trồng rau thủy canh, cung cấp đủ nhu cầu rau ăn lá hàng ngày cho một gia đình khoảng 4 người. Khoản chi phí bỏ ra để đầu tư bộ thiết bị này chỉ vào khoảng từ 7 – 15 triệu đồng, còn chi phí chăm sóc là không đáng kể. Nếu so với nhu cầu có thực của các hộ cư dân thành phố, rõ ràng đây là khoản đầu tư không lớn để đổi lại sự yên tâm về thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm này có những ưu điểm rõ rệt so với mô hình trồng cây trên đất và phù hợp với không gian đô thị, chẳng hạn như: gọn nhẹ, không mất công chăm sóc nhiều và có tính thẩm mỹ cao. Đó là lý do mà Hachi rất lạc quan về tiềm năng và cơ hội thương mại hóa sản phẩm này trong tương lai. Cách đây khoảng 3 tháng, Hachi mới bắt đầu triển khai các hoạt động marketing online với mức độ vừa phải để vừa thăm dò thị trường, vừa lan tỏa thông tin về sản phẩm. Kết quả là, 2 tháng trở lại đây, tốc độ tăng trưởng khách hàng của start-up này ở mức 50 – 100%. Con số này dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt, khi nhận thức của thị trường về sự tiện lợi và hiệu quả của sản phẩm ngày càng cao hơn.

Ngoài đối tượng tiềm năng là cư dân đô thị, Hachi cũng đang hướng đến một nhóm đối tượng tiềm năng khác là các trang trại rau sạch có diện tích từ 100 – 1.000m2. Hiện start-up này đã tiếp cận với khoảng 3 – 4 trang trại ở các tỉnh lân cận Hà Nội. Hachi hiện vẫn đang trong giai đoạn chứng minh cho các chủ trang trại thấy tính hiệu quả của giải pháp này so với giải pháp truyền thống. Đặng Xuân Trường tự tin cho biết, mặc dù chi phí ban đầu để đầu tư giải pháp thủy canh thông minh của Hachi sẽ cao hơn, tuy nhiên về dài hạn sẽ tối ưu được chi phí do năng suất cao cộng với việc tiết kiệm chi phí nhân công, bởi một trang trại có diện tích khoảng 500 – 1.000 m2 có thể chỉ cần một người chăm sóc. Với hai nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng này, Hachi đang triển khai tiếp cận cả hai khu vực Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận hai thành phố lớn này.

Hiện, Hachi cũng đang phải đối diện với một số đối thủ cạnh tranh trên thị trường, tuy nhiên Đặng Xuân Trường và đội ngũ sáng lập của Hachi vẫn rất tin tưởng vào cơ hội vượt lên. Giai đoạn này, Hachi đang tập trung vào việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, họ cũng đang gấp rút hoàn thiện sản phẩm để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, thông minh nhất. Trường phân tích, sự khác biệt hiện nay của Hachi nằm ở bộ điều khiển trên smartphone, tuy nhiên đây khó có thể là điểm khác biệt về mặt dài hạn, bởi nếu đối thủ có nguồn lực tốt, họ vẫn có thể sao chép được rất nhanh. Để giải quyết bài toán tạo sự khác biệt, Hachi đang nỗ lực nghiên cứu để tạo ra hệ thống điều khiển tự động cho từng loại cây trồng. Một lợi thế khác của Hachi đến từ những giải thưởng về sáng tạo và khởi nghiệp mà doanh nghiệp này đã đạt được. Đó là giải “Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất cuộc thi start-up wheel 2016”; giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Lotte do tập đoàn Lotte, Bkholding và Vietnam Silicon Valley tổ chức; giải Nhất cuộc thi Techfest 2016 giành vé tới Silicon Valley; giải Start-up triển vọng của cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Đây là những nền tảng giúp Hachi dễ dàng tạo được dấu ấn về mặt truyền thông và thương hiệu trước các sản phẩm thủy canh nông nghiệp tương tự khác trên thị trường.

Không vội thu hút nhà đầu tư

Đặng Xuân Trường cho biết, sau khi tung sản phẩm ra thị trường, Hachi nhận được khá nhiều phản hồi của khách hàng, bên cạnh những phản hồi tốt cũng có những phản hồi chưa tích cực, thậm chí đòi trả lại sản phẩm. Ứng xử của start-up này là sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và hoàn lại tiền cho những khách hàng chưa hài lòng. Tuy nhiên, cái được chính là họ nhìn thấy những điểm hạn chế của sản phẩm để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Trường cho biết, đã có trường hợp khách hàng trả lại sản phẩm sau một tháng sử dụng vì không hài lòng. Sau khi tìm hiểu, lỗi phát sinh từ việc nguồn nước của gia đình này không tốt, có nhiều canxi, tuy nhiên khi cung cấp giải pháp cho khách hàng, Hachi đã không kiểm định kỹ nguồn nước để có phương án xử lý phù hợp. Ngay sau trường hợp đó, việc kiểm định nguồn nước trở thành một trong những việc được Hachi triển khai ngay từ giai đoạn đầu. Lắng nghe phản hồi để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, học từ chính những trải nghiệm thực tế của mình, đó chính là cách start-up còn rất non trẻ này đang áp dụng.

Trong câu chuyện với DOANH NHÂN, Trường chia sẻ khá thẳng thắn về những điểm yếu của chính Hachi. “Hachi vẫn còn non về rất nhiều mặt, non về đội ngũ, non về thị trường, đó có lẽ là một trong những lý do khiến một số quỹ đầu tư đã đến làm việc với Hachi, nhưng vẫn trong quá trình tìm hiểu và chưa ra quyết định đầu tư”. Mặc dù việc phát triển và mở rộng quy mô trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh mất khá nhiều thời gian và cần vốn, tuy nhiên quan điểm của đội ngũ sáng lập Hachi là không vội tìm nhà đầu tư bằng mọi giá. Điều quan trọng là thời điểm này, Hachi đã tự tồn tại được và sẽ đi lên từng bước để tăng trưởng bền vững trong tương lai. “Mặc dù tốc độ tăng trưởng, mở rộng sẽ không nhanh được như một số sản phẩm start-up khác về công nghệ, tuy nhiên tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường. Điều quan trọng là phải có một sản phẩm thực sự hoàn thiện”, Trường chia sẻ.

Trong giai đoạn này, Hachi đang tích cực dồn sức để cải thiện những điểm còn non kém của mình. Về mặt nhân sự, họ vẫn cần thu hút thêm những nhân sự đủ giỏi để đảm bảo mỗi người chịu trách nhiệm một khâu. Tuy nhiên, theo Trường, cơ hội tìm được những người như vậy không cao. Lý do là “IoT là nhân lực có trình độ tương đối cao, họ có rất nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn lớn với thu nhập tốt. Do đó, để tìm được những người chấp nhận mức thu nhập chưa cao, đổi lại là việc sở hữu cổ phần tại một start-up mà cơ hội thành công chưa rõ ràng, là không hề dễ dàng”, Trường nói.

Về mặt công nghệ, Hachi đang đặt mục tiêu hoàn thiện dứt điểm bộ Sản phẩm Nhà Phố để có thể đóng gói thành sản phẩm, để quy trình đưa một sản phẩm đến với thị trường không mất quá nhiều thời gian, đảm bảo việc tối ưu hóa chi phí. Việc hoàn thiện quy trình sản phẩm cũng sẽ góp phần hạn chế sự sao chép của những đối thủ trong tương lai.

Một trong những điểm mạnh của Hachi đến từ chính đội ngũ sáng lập viên. Bên cạnh sự đam mê, kiên định theo đuổi mục tiêu đến cùng thì việc mỗi người mạnh về một mảng cũng giúp Hachi giải quyết được khá bao quát các khía cạnh trong quá trình phát triển ý tưởng và đưa sản phẩm ra thị trường. Hachi đã là bức tranh hoàn thiện của những mảnh ghép về: công nghệ, nông nghiệp, marketing… với đội ngũ 6 sáng lập viên theo đuổi từ thời điểm đầu và vẫn gắn bó đến hiện tại.

CEO của start-up này cho biết, mình cũng đang nỗ lực củng cố kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định và cả kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, những điểm mà Trường tự cảm thấy mình còn yếu. Nói về áp lực khi phải đương đầu với rất nhiều thách thức trong quá trình khởi nghiệp, đặc biệt khi chưa có sự đồng hành về nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, Trường cho biết: “Không thể tránh khỏi cảm giác áp lực và mệt mỏi, nhưng khi đã là lãnh đạo của một nhóm người, nếu mình từ bỏ thì tất cả những người đi theo mình đã mất rất nhiều công sức, thời gian, họ sẽ như thế nào? Điều đó khiến mình cảm thấy có trách nhiệm hơn và bắt buộc phải đứng lên để đi tiếp”.

Nói về tiềm năng của ứng dụng IoT vào nông nghiệp, Đặng Xuân Trường cho rằng, đây là một mảng tương đối mới, nhưng cực kỳ tiềm năng tại Việt Nam. “Sản phẩm của Hachi mới chạm được một chút vào nông nghiệp công nghệ cao, đó là hệ thống thủy canh tự động nhà phố và hướng vào nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, hiện tại Hachi đang hợp tác với các công ty chế tạo bộ cảm biến của Nhật để đưa sản phẩm tới các trang trại lớn”.